Theo Tổng cục Đường bộ VN, những năm gần đây phương tiện xe tải gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là xe tải trọng nặng là nguyên nhân chính và chủ yếu gây ra việc xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng của các bộ phận kết cấu cầu đường, làm giảm tuổi thọ của công trình đường bộ.
Tình trạng xe quá khổ, quá tải xảy ra trên khắp các tuyến đường, từ Quốc lộ tới tỉnh lộ cũng như các tuyến đường liên huyện.
Nhiều tuyến đường Quốc lộ xe quá tải vẫn ngày đêm phá đường.
Thống kê của Khu quản lý Đường bộ II cho thấy, trên hầu hết các tuyến cầu đường mà đơn vị này quản lý đều xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng công trình như: QL1, Pháp Vân- Cầu Giẽ, cầu Thanh Trì, QL5, QL10.
Một kết quả khảo sát của dự án bảo vệ mạng lưới đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đã tiến hành kiểm tra thí điểm trên QL5 cho thấy, tuyến đường này trung bình có 1.000 xe quá tải/ngày (chiếm tỷ lệ 20%-30%), trong đó có xe tổng trọng tải lên đến 80 tấn, có xe 54 tấn trên trục sau, vượt quá tải 200% theo quy định.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hệ thống cầu đường đã bị hư hại một cách nghiêm trọng. Nhiều cầu yếu đang phải ‘oằn mình’ gánh chịu những lượt xe quả tải, đẩy nhanh tốc độ hư hỏng của cầu.
“Nhiều cầu mới khai thác được 20-30 năm nhưng đã bị hư hỏng nặng. Các đơn vị quản lý phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều lần gây tốn kém ngân sách Nhà nước và giảm tuổi thọ của công trình”, ông Cường nói.
Hiện nay, ngoài việc dùng các trạm cân để xử phạt xe chở quá tải, trong quá trình đăng kiểm, Cục Đăng kiểm sẽ rà soát và không cho nhập các xe tải siêu trường, siêu trọng, vượt quá tải trọng thiết kế cầu đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Khống Bình Nguyên, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nam, đang có một thực tế, nhiều chủ xe sau khi kiểm định xong, chủ phương tiện lại thay thùng, lốp, nhíp chế rồi tiếp tục vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, gây mất an toàn giao thông và hư hỏng cầu đường.
Xe nhập khẩu cơi nới thủ phạm chính tàn phá đường
Theo Tổng Cục Đường bộ VN, hiện nay tại một số tỉnh thành có các khu mỏ quặng, mỏ đá hoặc các cửa khẩu, cảng biển… xe siêu trường siêu trọng vẫn ngày đêm “băm “ đường có lúc vượt tải lên tới 200%, trong khi hầu hết các tuyến đường này có kết cấu tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường hẹp.
Xe nhập khẩu, cơi nới đang tàn phá nhiều tuyến đường trên cả nước (Ảnh: tuổi trẻ)
Kết quả tính toán của Tổng cục Đường bộ dựa vào khảo sát của các địa phương báo cáo cũng cho thấy, nhiều chủng loại xe tải Dong Feng nguồn gốc Trung Quốc có tổng tải trọng cho phép từ 24-30 tấn, nhưng khi được cơi cao thùng xe trung bình thêm 30cm thì tổng tải trọng chở và tải trọng trục có thể tăng lên gấp 1,5-2 lần so với trọng tải, trục xe thiết kế của đường bộ.
Ông Dương Văn Quang, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian qua, số lượng xe tải tại Cao Bằng gia tăng đột biến trên một số tuyến đường mà chủ yếu là xe container và xe siêu trường, siêu trọng chuyên chở hàng hóa đến các cửa khẩu (ước tính khoảng 500 xe/ngày đêm, trong đó xe container khoảng 200 xe/ngày đêm), tình trạng này đã khiến hệ thống đường sá, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh xuống cấp nghiêm trọng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Hài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai dẫn chứng, những loại xe siêu trường, siêu trọng như xe Hyundai, Samsung (Hàn Quốc); DongFeng, Howo của Trung Quốc được sử dụng vào việc vận chuyển quặng Apatit và một số khoáng sản khác lưu thông trên tuyến Quốc lộ 279, 70, 4E, đường thuộc nội thị Lào Cai luôn bị xe tải ngày đêm quần thảo…
Để xảy thực trạng xe quá tải phá nát cầu đường quốc lộ ở các địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, có một phần lớn do chính quyền ở một số địa phương đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu nên mục tiêu bảo vệ đường, kiểm soát tải trọng xe chưa được coi trọng, chưa được quan tâm đúng mức.
Vũ Điệp