UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội hôm nay (12/4) tổ chức hội thảo về mức sống tối thiểu và cơ sở xác định mức lương tối thiểu, lương đủ sống. Rất nhiều tham luận tại hội thảo dẫn các bằng chứng cho thấy khoảng cách quá xa giữa lương và nhu cầu tối thiểu. Song chưa có nhiều ý tưởng, giải pháp được gợi mở.
Có một lớp người nghèo mới
Theo bà Văn Thu Hà (đại diện Oxfam Việt Nam), lương tối thiểu của Việt Nam đã rơi xuống mức quá thấp nên có điều chỉnh, có tăng lên đến mấy vẫn không thể cân đối được với mức sống người dân.
Tiền lương tối thiểu vẫn cách xa mức sống tối thiểu. Ảnh minh họa: Binh Minh
"Ít nhất có 9,4 triệu người đang đóng BHXH chiếm 18% lực lượng lao động năm 2009 sẽ tham gia vào một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu. Trong số họ, những lao động nghèo sẽ trở thành nhóm người về hưu cực nghèo, sẽ tham gia vào các nhóm bảo trợ xã hội trong tương lai", bà Hà cảnh báo.
Như thông tin mà ông Lê Xuân Thành (Vụ Tiền lương - Bộ LĐ-TB-XH) cung cấp, với mức lương hiện nay, lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ chi trả được 50% mức sống tối thiểu. Con số này ở khu vực sản xuất là 70%.
Cũng vì vậy mà năm 2012 vừa qua có tới 80% các cuộc đình công nổ ra với nguyên nhân chính là tranh chấp về lương.
2016: Lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu?
Căn cứ đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2008-2012, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung với cán bộ, công chức và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng với các DN. Cải cách nhiều như vậy nhưng vì sao vẫn có sự khác biệt quá lớn giữa mức tiền lương chi trả cho người lao động và nhu cầu đời sống?
"Vì phụ thuộc vào ngân sách. Nếu nâng mức lương tối thiểu của khu vực hành chính sự nghiệp lên để đáp ứng đúng nhu cầu tối thiểu thì sẽ ảnh hưởng đến ngân sách. Đây là bài toán đã bàn cãi suốt 20 năm nay", ông Lê Xuân Thành chia sẻ.
Ông cho hay, trong cuộc cải cách năm 1993 Chính phủ đã hoạch định lộ trình là lương thời điểm đó chấp nhận chỉ đáp ứng 70% mức sống tối thiểu, rồi sau đó sẽ nâng dần lên. Nhưng rồi suy thoái kinh tế năm 1997 khiến cuộc cải cách không thực hiện được.
Cũng theo ông Thành, vì chưa có tiêu chí cụ thể quy định mức sống tối thiểu để có thể dựa trên cơ sở đó quy định mức lương tối thiểu. "Vì vậy mà cứ điều chỉnh tiền lương dựa chủ yếu vào ngân sách. Tiền có bao nhiêu thì điều chỉnh bấy nhiêu chứ không dựa vào nhu cầu hay mức sống của người lao động", ông Thành nói.
Ông tâm tư, dù luôn nói lương là để đầu tư cho con người, cho phát triển, song thực tế khó đủ đường. "Nhà nghèo nên phải đắn đo. Chi cái gì trước, cái gì sau phải tính", ông Thành nói. Bởi nếu nâng mức lương tối thiểu lên đáp ứng đúng mức sống tối thiểu có nghĩa sẽ ảnh hưởng đến nguồn ngân sách chi trả cho những mục tiêu khác.
Ông Thành cũng "không dám bình luận về việc chính sách tiền lương vừa qua có duy ý chí hay không"."Bởi tất cả phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế mà tăng trưởng tốt có lẽ lương cũng đã tăng lên từ lâu".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng bình luận, năng suất lao động đang đi xuống thì làm sao lương có thể đi lên được?
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng chia sẻ với sự "bế tắc" trong chính sách cải cách lương thời gian qua.
Nói như ông Đặng Quang Điều (Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), khó xác định mốc cuối cùng cho mục tiêu lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Bởi nhiều năm trước, cơ quan chức năng đã đưa ra lộ trình để năm 2013 lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu và mức sống tối thiểu. Nhưng biết khó đạt mục tiêu nên lộ trình lại được giãn ra tới năm 2015.
"Tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu chưa bao giờ gặp nhau, vẫn như hình với bóng. Chúng tôi thấy viển vông lắm, khó lòng thực hiện được", ông Điều nói.
Đề án mà BCH Trung ương đã phê duyệt năm vừa rồi đã xác định lộ trình sau khi mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2015 thì hằng năm sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu theo trượt giá cộng với một phần tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên thực tế là do kinh tế khó khăn, lộ trình điều chỉnh lương năm 2013 đã bị lùi. Vì vậy nếu điều chỉnh mức lương theo đúng lộ trình thì năm 2014 và 2015 phải điều chỉnh lớn, DN không kham được. Bộ LĐ-TB-XH đề nghị giãn lộ trình điều chỉnh sang năm 2016. Theo đó, mức tăng bình quân chung khoảng 18-23%/năm tùy theo từng vùng.
Lê Nhung