Hoàn thiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an (Hình từ Internet)
Nghị quyết 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được thông qua ngày 24/6/2023 với nhiều nội dung đáng chú ý trong các lĩnh vực: lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải.
Cụ thể, để triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội và chiến lược, quy hoạch về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc hội yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
- Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách đào tạo nghề, ưu tiên cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế.
- Thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, các giải pháp phân luồng trong giáo dục phổ thông; triển khai việc vừa đào tạo nghề và dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông vừa có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề.
- Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
- Đến năm 2025, nâng chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 28% đến 30%; thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề đạt 45%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng số trình độ cơ bản đạt 80%.
Ngoài việc rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, tại Nghị quyết 100/2023/QH15 thì Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện tự chủ theo lộ trình, đẩy nhanh chuyển đổi số, áp dụng quản trị tiên tiến đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động.
Cụ thể, rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo; chú trọng các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh; đến năm 2025, giảm khoảng 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó:
Giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Ngoài ra, còn tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo và các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng lực nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận chuẩn các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới.
Đổi mới công tác đánh giá và công nhận trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là đối với lao động có kiến thức, kỹ năng nhưng chưa có chứng chỉ về đào tạo nghề.
Tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp; chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả, chất lượng sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Ưu tiên quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư trong phát triển giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả liên kết, kết hợp giữa nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là các trường cao đẳng, trung cấp; định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 100/2023/QH15 được thông qua ngày 24/6/2023.