Tổng hợp quy tắc giao thông đường thủy nội địa mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
09/08/2023 14:15 PM

Xin hỏi quy tắc giao thông đường thủy nội địa theo Luật Giao thông đường thủy nội địa mới nhất bao gồm những nội dung gì? – Anh Hào (Đồng Tháp)

Tổng hợp quy tắc giao thông đường thủy nội địa mới nhất

Tổng hợp quy tắc giao thông đường thủy nội địa mới nhất (Hình từ internet)

Tổng hợp quy tắc giao thông đường thủy nội địa mới nhất

Hiện hành, quy tắc giao thông đường thủy nội địa được quy định từ Điều 36 đến Điều 44 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014, cụ thể như sau:

Chấp hành quy tắc giao thông đường thủy nội địa

- Thuyền trưởng, người lái phương tiện khi điều khiển phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa phải tuân theo quy tắc giao thông và báo hiệu đường thủy nội địa quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa.

- Thuyền trưởng tàu biển, tàu cá khi điều khiển tàu biển, tàu cá hoạt động trên đường thủy nội địa phải tuân theo báo hiệu đường thủy nội địa và quy tắc giao thông quy định đối với phương tiện có động cơ.

- Thuyền trưởng, người lái phương tiện khi hành trình phải điều khiển phương tiện với tốc độ an toàn để có thể xử lý các tình huống tránh va, không gây mất an toàn đối với phương tiện khác hoặc tổn hại đến các công trình; giữ khoảng cách an toàn giữa phương tiện mình đang điều khiển với phương tiện khác; phải giảm tốc độ của phương tiện trong các trường hợp sau đây:

+ Đi gần phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng, phương tiện bị nạn, phương tiện chở hàng nguy hiểm;

+ Đi trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa;

+ Đi gần đê, kè khi có nước lớn.

- Thuyền trưởng, người lái phương tiện khi hành trình không được bám, buộc phương tiện của mình vào phương tiện chở khách, phương tiện chở hàng nguy hiểm đang hành trình hoặc để phương tiện chở khách, phương tiện chở hàng nguy hiểm bám, buộc vào phương tiện của mình, trừ trường hợp cứu hộ, cứu nạn hoặc trường hợp bất khả kháng.

Một số quy tắc giao thông đường thủy nội địa

Hành trình trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế và nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, luồng hẹp, luồng bị hạn chế

- Khi hành trình trong điều kiện có sương mù, mưa to hoặc vì lý do khác mà tầm nhìn bị hạn chế, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ của phương tiện đồng thời phát âm hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Giao thông đường thủy nội địa và phải có người cảnh giới ở những vị trí cần thiết trên phương tiện. Trường hợp không nhìn rõ đường thì phải neo đậu phương tiện, bố trí người cảnh giới và phát âm hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Giao thông đường thủy nội địa.

- Khi phương tiện đi vào nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ của phương tiện, phát tín hiệu nhiều lần theo quy định tại Điều 46 Luật Giao thông đường thủy nội địa và đi sát về phía luồng đã báo cho đến khi phương tiện qua khỏi nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, luồng hẹp, luồng bị hạn chế.

Quyền ưu tiên của phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt

- Những phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt sau đây được ưu tiên đi trước khi qua âu tàu, cống, đập, cầu không mở thường xuyên, nơi có điều tiết giao thông, luồng giao nhau, luồng cong gấp, theo thứ tự sau đây:

+ Phương tiện chữa cháy;

+ Phương tiện cứu nạn;

+ Phương tiện hộ đê;

+ Phương tiện của quân đội, công an làm nhiệm vụ khẩn cấp;

+ Phương tiện, đoàn phương tiện có công an hộ tống hoặc dẫn đường.

- Phương tiện quy định nêu trên phải chủ động phát tín hiệu điều động theo quy định tại Điều 46 Luật Giao thông đường thủy nội địa.

- Thuyền trưởng, người lái phương tiện của phương tiện không quy định nêu trên khi thấy tín hiệu của phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt phải giảm tốc độ phương tiện của mình, đi sát về một phía luồng để nhường đường.

Phương tiện tránh nhau khi đi đối hướng nhau

- Khi hai phương tiện đi đối hướng nhau có nguy cơ va chạm, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ, tránh và nhường đường theo nguyên tắc sau đây:

+ Phương tiện đi ngược nước phải tránh và nhường đường cho phương tiện đi xuôi nước. Trường hợp nước đứng, phương tiện nào phát tín hiệu xin đường trước thì phương tiện kia phải tránh và nhường đường;

+ Phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ, phương tiện có động cơ công suất nhỏ hơn phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ công suất lớn hơn, phương tiện đi một mình phải tránh và nhường đường cho đoàn lai;

+ Mọi phương tiện phải tránh bè và tránh phương tiện có tín hiệu mất chủ động, phương tiện bị nạn, phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng.

- Khi tránh nhau, phương tiện được nhường đường phải chủ động phát tín hiệu điều động theo quy định tại Điều 46 Luật Giao thông đường thủy nội địa và đi về phía luồng đã báo, phương tiện kia phải tránh và nhường đường.

Phương tiện tránh nhau khi đi cắt hướng nhau

Khi hai phương tiện đi cắt hướng nhau có nguy cơ va chạm, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ, tránh và nhường đường theo nguyên tắc sau đây:

- Phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ;

- Mọi phương tiện phải tránh bè;

- Phương tiện có động cơ nào nhìn thấy phương tiện có động cơ khác bên mạn phải của mình thì phải tránh và nhường đường cho phương tiện đó.

Thuyền buồm tránh nhau

- Phương tiện khi di chuyển bằng buồm tránh nhau theo nguyên tắc sau đây:

+ Thuyền đi thuận gió tránh thuyền đi ngược gió;

+ Thuyền được gió mạn trái tránh thuyền được gió mạn phải;

+ Thuyền đi trên gió tránh thuyền đi dưới gió.

- Phương tiện thô sơ khác phải tránh thuyền buồm.

Phương tiện vượt nhau

- Phương tiện vượt nhau thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

+ Phương tiện xin vượt phải phát âm hiệu một tiếng dài, lặp lại nhiều lần;

+ Phương tiện bị vượt, khi nghe thấy âm hiệu xin vượt, nếu thấy an toàn phải giảm tốc độ và phát âm hiệu điều động theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 46 Luật Giao thông đường thủy nội địa và đi về phía luồng đã báo cho đến khi phương tiện xin vượt đã vượt qua; nếu không thể cho vượt thì phát âm hiệu 5 tiếng ngắn;

+ Phương tiện xin vượt, khi nghe thấy âm hiệu điều động của phương tiện bị vượt thì mới được vượt; khi vượt phải phát âm hiệu báo phía vượt của mình và phải giữ khoảng cách ngang an toàn với phương tiện bị vượt.

- Phương tiện xin vượt không được vượt trong các trường hợp sau đây:

+ Nơi có báo hiệu cấm vượt;

+ Phía trước có phương tiện đi ngược lại hay có vật chướng ngại;

+ Nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp hoặc có báo hiệu chiều rộng luồng hạn chế;

+ Khi đi qua khoang thông thuyền của cầu, cống, âu tàu, khu vực điều tiết giao thông;

+ Trường hợp khác không bảo đảm an toàn.

Phương tiện đi qua khoang thông thuyền của cầu, cống

- Trước khi đưa phương tiện đi qua khoang thông thuyền, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải thực hiện các quy định sau đây:

+ Nắm vững các thông số chiều rộng, chiều cao của khoang thông thuyền, tình trạng luồng và dòng chảy;

+ Kiểm tra hệ thống lái, neo, đệm chống va, sào chống;

+ Trường hợp là đoàn lai, phải lập phương án lắp ghép đội hình phù hợp với chiều rộng và chiều cao của khoang thông thuyền, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thuyền viên.

- Thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa phương tiện qua khoang thông thuyền khi xét thấy đủ điều kiện an toàn; trường hợp cần thiết, phải xin chỉ dẫn của bộ phận điều tiết giao thông hoặc đơn vị quản lý đường thủy nội địa.

- Thuyền trưởng, người lái phương tiện phải điều khiển phương tiện đi đúng khoang có báo hiệu thông thuyền; đối với những khoang thông thuyền có phao dẫn luồng, phải điều khiển phương tiện đi trong giới hạn của hai hàng phao.

- Nơi khoang thông thuyền có dòng nước xoáy hoặc chảy xiết, nếu thấy không an toàn, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải tìm biện pháp để đưa phương tiện qua khoang thông thuyền an toàn; trường hợp phải chờ qua khoang thông thuyền, phương tiện phải được neo buộc chắc chắn tại vị trí an toàn và bố trí người trực trên phương tiện.

- Những nơi có điều tiết giao thông, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải chấp hành hiệu lệnh của người điều tiết giao thông.

Neo đậu phương tiện

- Neo đậu phương tiện trong cảng, bến thủy nội địa phải đúng nơi quy định, chấp hành nội quy của cảng, bến thủy nội địa và phải bố trí người trông coi phương tiện.

Phương tiện neo đậu ở phía bờ phải để thuyền viên của các phương tiện đậu ở phía ngoài và những người thi hành công vụ đi qua.

- Trong trường hợp cần neo đậu phương tiện ở ngoài phạm vi cảng, bến thủy nội địa để hành khách lên xuống hoặc xếp, dỡ hàng hóa phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa. Phương tiện khác chỉ được cập mạn để đón trả hành khách, chuyển tải hàng hóa khi phương tiện này đã neo đậu xong.

- Trước khi rời cảng, bến thủy nội địa hoặc vị trí neo đậu, phương tiện phải phát âm hiệu, nếu thấy bảo đảm an toàn mới được nhổ neo.

- Phương tiện không được neo đậu ở giữa luồng, khu vực luồng giao nhau, luồng cong gấp, luồng hẹp, luồng bị hạn chế trong hành lang bảo vệ cầu hoặc các công trình khác và những nơi có báo hiệu cấm neo đậu.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,596

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]