Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi quy định về học phí

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
26/08/2023 13:32 PM

Có phải tại Thông báo 352/TB-VPCP, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi quy định về học phí không? – Khánh Huyền (Bạc Liêu)

Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi quy định về học phí

Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi quy định về học phí (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 25/8/2023, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo 352/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam.

Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi quy định về học phí

Theo đó, sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự biểu, Phó Thủ tướng đã đưa ra kết luận giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

- Khẩn trương hoàn thiện Đề án tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam vào thời điểm phù hợp sau khi Đề án này được ban hành.

- Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để có hiệu lực thi hành trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2023 - 2024.

Trước đó tại Thông báo 300/TB-VPCP ngày 31/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 81/2021/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023.

Khung học phí năm học 2023 – 2024 theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP

Theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, khung học phí năm học 2023 - 2024 trong hệ thống giáo dục quốc dân như sau:

* Đối với giáo dục mầm non, phổ thông

+ Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm;

+ Căn cứ khung học phí quy định tại điểm a khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần quy định.

* Đối với giáo dục nghề nghiệp

Mức trần học phí từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026 như sau:

(i) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên:

Căn cứ danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, trung cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, mức trần học phí được xác định theo định mức kinh tế - kỹ thuật và được tính theo lộ trình đến năm học 2025 - 2026.

Theo đó, mức trần học phí năm 2023 - 2024 của các nhóm ngành, nghề đào tạo như sau:

- Khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và đào tạo, báo chí, thông tin và kinh doanh: 1.328.000 đồng/tháng.

- Khoa học, pháp luật và toán: 1.411.000 đồng/tháng

- Kỹ thuật và công nghệ thông tin: 1.992.000 đồng/tháng

- Sản xuất, chế biến và xây dựng: 1.909.000 đồng/tháng

- Nông, lâm, ngư nghiệp và thú y: 1.370.000 đồng/tháng

- Sức khỏe: 2.324.000 đồng/tháng

- Dịch vụ, du lịch và môi trường: 1.660.000 đồng/tháng

- An ninh, quốc phòng: 1.820.000 đồng/tháng

(ii) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí tối đa không quá 2 lần so với mức học phí quy định tại (i);

(iii) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Được chủ động xây dựng và quyết định mức học phí theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản khác có liên quan;

(iv) Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao (kể cả chương trình chuyển giao từ nước ngoài đối với giáo dục nghề nghiệp) các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động quyết định mức học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật bảo đảm đủ bù đắp chi phí đào tạo, có tích luỹ và thực hiện việc công khai trước khi tuyển sinh;

(v) Đối với các chương trình đào tạo đã đạt chuẩn kiểm định tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo một phần chi thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên mức học phí tối đa không quá 2,5 lần so với mức học phí quy định tại (i).

*Đối với giáo dục đại học

(i) Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:

+ Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: 1.410.000 đồng/tháng

+ Khối ngành II: Nghệ thuật: 1.350.000 đồng/tháng

+ Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật: 1.410.000 đồng/tháng

+ Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: 1.520.000 đồng/tháng

+ Khối ngành V: Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y: 1.640.000 đồng/tháng

+ Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác: 2.090.000 đồng/tháng

+ Khối ngành VI.2: Y dược: 2.760.000 đồng/tháng

+ Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường: 1.500.000 đồng/tháng

(ii) Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí tương ứng với từng khối ngành và từng năm học;

(iii) Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí tương ứng với từng khối ngành và từng năm học;

(iv) Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 899

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]