Đó là một nội dung trong khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vừa được ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG ASEAN công bố tại Hội thảo Phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) với chủ đề “Tăng cường hợp tác, minh bạch, gắn kết công dân” diễn ra ngày 28-8 ở Hà Nội.
Theo đó, 43% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn thực hiện các dịch vụ công theo phương thức trực tiếp, 18% thực hiện các dịch vụ công qua điện thoại và thư tín bưu chính, 31% qua internet và thư điện tử (email).
Trong số những dịch vụ công mà doanh nghiệp phải thực hiện thường xuyên nhất, 43% là các dịch vụ thuế (khai thuế, đóng thuế, làm thủ tục thuế...), 25% là các dịch vụ hải quan, 20% là dịch vụ về đăng ký doanh nghiệp, còn lại là các dịch vụ khác.
Có 86% doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên 10 lần mỗi năm, 9% thực hiện dưới 10 lần, số còn lại không bao giờ khai thuế qua mạng.
Theo các doanh nghiệp, khai thuế trực tuyến có nhiều thủ tục rắc rối, tắc nghẽn, gây khó khăn, nên thay vì đó, họ trực tiếp đến nộp thuế, hoặc thông qua đơn vị tư vấn thứ ba.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tại Việt Nam, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều khó khăn như khâu đăng ký và phản hồi không kết nối với nhau, hồ sơ thay đổi thường xuyên, biểu mẫu không thống nhất…
62% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn có sự cải thiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến về thuế tại Việt Nam, 20% muốn cải thiện dịch vụ công trực tuyến về hải quan.
23% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng các cơ quan công quyền phải nâng cấp hạ tầng CNTT và xây dựng lại phương pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến để nâng cao mức độ hài lòng của các doanh nghiệp.
Khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được IDG thực hiện từ tháng 2, với hơn 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó 20% doanh nghiệp có quy mô hơn 100 nhân viên, 32% doanh nghiệp có từ 50-99 nhân viên, 48% doanh nghiệp có 1–49 nhân viên; chia theo các lĩnh vực thì 41% thuộc ngành công nghiệp, sản xuất, 20% ngành nông nghiệp, 17% ngành dịch vụ, 8% ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, 14% các ngành khác. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 58% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 23% liên doanh, 10% văn phòng đại diện, 9% cơ quan thúc đẩy đầu tư và thương mại.
Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp là một trong những thước đo quan trọng hàng đầu phản ánh trình độ phát triển CPĐT. Vì thế trong giai đoạn hiện nay, trọng tâm phát triển CPĐT đã có sự chuyển dịch mục tiêu từ bảo đảm thực hiện chức năng quản lý, điều hành trong các cơ quan nhà nước sang phục vụ xã hội.
Hội thảo quốc gia về CPĐT là sự kiện thường niên đánh giá toàn diện về định hướng và giải pháp phát triển CPĐT hiện đại, đón đầu các xu thế công nghệ mới tại Việt Nam. Với sự tham dự của hơn 400 khách mời là các lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, bộ ngành, lãnh đạo chính quyền địa phương và các chuyên gia hàng đầu đến từ các tập đoàn lớn trong nước và thế giới, hội thảo năm nay tiếp tục các trao đổi, đánh giá về thực trạng và những bước phát triển mới của CPĐT, cũng như đề xuất các sáng kiến ứng dụng công nghệ tạo đà cho những chuyển biến lớn trong phát triển CPĐT và cải cách hành chính công tại Việt Nam.
Lâm Thảo
Theo Nhân Dân