Nguyên tắc, nhiệm vụ của hội đồng kiểm tra sát hạch cấp giấy chứng nhận lương y

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
15/03/2024 09:01 AM

Nguyên tắc, nhiệm vụ của hội đồng kiểm tra sát hạch và tổ thư ký kiểm tra sát hạch cấp giấy chứng nhận lương y năm 2024 được quy định như thế nào? - Hồng Thu (Bến Tre)

Nguyên tắc, nhiệm vụ của hội đồng kiểm tra sát hạch cấp giấy chứng nhận lương y (Hình từ internet)

Nguyên tắc, nhiệm vụ của hội đồng kiểm tra sát hạch và tổ thư ký

Ngày 12/3/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2024/TT-BYT quy định về cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, nguyên tắc, nhiệm vụ của hội đồng kiểm tra sát hạch và tổ thư ký kiểm tra sát hạch cấp giấy chứng nhận lương y được quy định tại Điều 15 Thông tư 02/2024/TT-BYT như sau:

(1) Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng kiểm tra sát hạch:

- Hội đồng kiểm tra sát hạch hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; ý kiến của thành viên Hội đồng phải bảo đảm cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học;

- Hội đồng kiểm tra sát hạch họp khi có từ 3/4 thành viên Hội đồng tham dự; Trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt phải có văn bản ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Chủ tịch Hội đồng kết luận trên cơ sở có ít nhất 2/3 ý kiến đồng thuận của các thành viên Hội đồng.

(2) Nhiệm vụ của Hội đồng kiểm tra sát hạch:

- Thẩm định, phê duyệt danh sách các trường hợp đủ và không đủ điều kiện dự kiểm tra sát hạch;

- Tổ chức kiểm tra sát hạch:

+ Báo cáo Bộ Y tế hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kế hoạch, thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra;

+ Tổ chức kiểm tra sát hạch, tổ chức chấm bài theo đúng quy định tại Điều 17 Thông tư 02/2024/TT-BYT.

- Phê duyệt kết quả kiểm tra sát hạch lý thuyết và thực hành của từng đối tượng, lập danh sách các trường hợp đạt yêu cầu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận lương y theo thẩm quyền.

(3) Nhiệm vụ của Tổ thư ký:

- Nghiên cứu hồ sơ:

+ Phân loại những đối tượng được xem xét cấp giấy chứng nhận lương y không phải qua kiểm tra sát hạch và những đối tượng phải đạt kết quả qua kiểm tra sát hạch trước khi cấp giấy chứng nhận lương y;

+ Lập danh sách trích ngang các trường hợp đủ điều kiện và các trường hợp không đủ điều kiện để dự kiểm tra sát hạch.

- Thông báo thời gian, địa điểm và số báo danh cho từng đối tượng đủ điều kiện tham dự kiểm tra sát hạch;

- Liên hệ với Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) nhận đề kiểm tra lý thuyết, đáp án và có nhiệm vụ bảo mật, không để lộ đề kiểm tra;

- Chuẩn bị giấy kiểm tra, người bệnh để tổ chức kiểm tra sát hạch lý thuyết và kiểm tra sát hạch thực hành;

- Rọc phách, ghép phách bài kiểm tra sát hạch lý thuyết, lên bảng điểm kiểm tra sát hạch lý thuyết và thực hành của từng đối tượng, lập báo cáo Hội đồng kiểm tra sát hạch phê duyệt;

- Bàn giao tài liệu liên quan đến hoạt động của Hội đồng kiểm tra sát hạch và các bài thi kiểm tra sát hạch cho Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền hoặc cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lưu trữ theo thẩm quyền;

- Lập danh sách đề nghị trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lương y cho những đối tượng đủ điều kiện.

Thông tư 02/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 12/3/2024.

Dư Thị Quỳnh Như

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 647

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]