Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của bão số 3 (Hình từ internet)
Tại khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 quy định trường hợp bất khả kháng bao gồm do người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.
(1) Quy định về chậm nộp tiền thuế.
Tại khoản 8 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019 quy định người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định sẽ được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng quy định trên.
(2) Quy định về gia hạn nộp thuế.
Tại khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019, việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định trên;
Người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế quy định trên được gia hạn nộp thuế một phần hoặc toàn bộ tiền thuế phải nộp.
Thời gian gia hạn nộp thuế: Không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
(3) Quy định về miễn thuế, giảm thuế
Tại khoản 1 Điều 79 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:
Miễn thuế, giảm thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và các trường hợp sau đây:
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có số tiền thuế phải nộp hằng năm từ 50.000 đồng trở xuống;
- Cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống.
Về thuế Tiêu thụ đặc biệt: Tại Điều 9 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 2008 quy định:
“Điều 9. Giảm thuế
Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế.
Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).”
Về Thuế Tài nguyên: Tại khoản 1 Điều 9 Luật thuế Tài nguyên 2009 quy định:
“Điều 9. Miễn, giảm thuế
1. Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.”
Về thuế Thu nhập cá nhân: Tại Điều 5 Luật thuế Thu nhập cá nhân 2007 quy định:
“Điều 5. Giảm thuế
Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.”
Về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Tại khoản 9 Điều 9, khoản 4 Điều 10 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định:
“Điều 9. Miễn thuế.
9. Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất trên 50% giá tính thuế.
Điều 10. Giảm thuế
Giảm 50% số thuế phải nộp cho các trường hợp sau đây:
4. Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất từ 20% đến 50% giá tính thuế.”
(4) Về chi phí được trừ khi tính thuế TNDN:
Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2013, một số trường hợp về khoản chi không được trừ được quy định như sau:
- Các khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện, trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường.
Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ (-) phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật;”
(5) Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào:
Tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định các trường hợp tổn thất không được bồi thường được khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm: thiên tai, hỏa hoạn, các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường, hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy. Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường để khấu trừ thuế.
Ngày 10/9/2024, Thủ tướng có Công điện 92/CĐ-TTg tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Trong Công điện 92/CĐ-TTg năm 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,... đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật; kịp thời phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cấp thẩm quyền xuất cấp gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu đói theo đúng quy định và thẩm quyền.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Như vậy, để khắc phục hậu quả bão Yagi (bão số 3), Thủ tướng yêu cầu thực hiện chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ ngân hàng,… với người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão lũ.