Tại hội thảo “Đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo yêu cầu cải cách tư pháp” do Ban Nội chính Trung ương tổ chức ngày 27-5, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung phân tích, làm rõ nội hàm quyền tư pháp trong nhiệm vụ, quyền hạn của tòa…
Mở rộng quyền tư pháp
Một trong những nội dung đổi mới quan trọng của dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi là cụ thể hóa nội hàm quyền tư pháp thông qua một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa (tại khoản 2 Điều 2).
Theo Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TAND Tối cao) Lê Văn Minh, quyền tư pháp của tòa không chỉ là quyền xét xử mà sẽ được mở rộng như sau: Thứ nhấtlà quyền áp dụng, kiểm tra, hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước hạn chế quyền con người, quyền công dân (nhất là biện pháp bắt giữ, tạm giam, phong tỏa tài sản…). Thứ hai là quyền kiểm soát, đánh giá, kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các hành vi, quyết định tố tụng do các cơ quan tư pháp (nhất là các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng) thực hiện trong suốt quá trình tố tụng và thi hành bản án, quyết định của tòa. Đây có thể xem là cơ chế để tòa tham gia kiểm soát việc thực hiện các hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm giải quyết, xử lý các vụ án đúng pháp luật, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Việc mở rộng quyền tư pháp của tòa còn có nhiều băn khoăn về việc chồng lấn với thẩm quyền của VKS. Ảnh: HTD
Hơn nữa, với vai trò bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi “mọi biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế của Nhà nước nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải được tòa xem xét, áp dụng hoặc kiểm tra để thay đổi, hủy bỏ trong trường hợp các biện pháp đó trái pháp luật hoặc không cần thiết” - ông Minh nhấn mạnh.
Ông Scott Ciment (cố vấn chính sách về pháp quyền và tiếp cận công lý - UNDP Việt Nam) đồng tình với quan điểm trên. GS-TS Đào Trí Úc (Chủ tịch Hội đồng ngành luật khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho biết tại nhiều nước, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đều thuộc thẩm quyền của tòa thông qua lệnh phê chuẩn quyết định của cơ quan cảnh sát hoặc chưởng lý.
Ngăn lạm quyền trong điều tra hình sự
Ông Lê Đức Anh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) tán thành việc mở rộng quyền tư pháp của tòa xuyên suốt trước xét xử, trong xét xử và sau xét xử, nhất là ở giai đoạn điều tra. “Việc bắt giữ, tạm giam phải để tòa kiểm soát, không thể để xảy ra trường hợp như ở Phú Yên bắt giữ trái pháp luật, nhục hình, bức cung…” - ông Anh nói.
Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TAND Tối cao) Lê Văn Minh nhìn nhận: “Đứng trước yêu cầu ngăn chặn lạm dụng quyền lực trong tố tụng hình sự, nhiều ý kiến cho rằng quyền tư pháp hiện nay đang bị cắt khúc. Nếu vụ việc đang ở giai đoạn điều tra, truy tố thì tòa không có quyền gì. Chưa có cơ chế để tòa kiểm soát các hoạt động tố tụng do cơ quan điều tra, VKS thực hiện. Vì vậy cần mở rộng quyền tư pháp của tòa để kiểm soát vụ án ngay từ khi khởi tố nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ hiến định bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật”.
Có chồng lấn thẩm quyền của VKS?
Tuy nhiên, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) băn khoăn: “Nếu tòa kiểm soát việc hạn chế hay xâm phạm các quyền con người, quyền công dân ngay từ giai đoạn điều tra, khởi tố thì quan hệ về thẩm quyền với VKS như thế nào? Có chồng lấn với vai trò kiểm sát điều tra của VKS hiện nay hay không?”.
Bà Lê Thị Thu Ba (Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương) cũng yêu cầu làm rõ cụ thể nội hàm quyền tư pháp. Cụ thể, việc bắt người có phải quyền tư pháp hay không? Cưỡng chế tài sản có phải quyền tư pháp hay không? Các cơ quan khác (công an, VKS) tham gia vào quyền tư pháp thì tòa kiểm soát như thế nào? “Nếu không làm rõ sau này sẽ khó thực hiện” - bà Thu Ba nhận xét.
PGS-TS Trần Văn Độ (Phó Chánh án TAND Tối cao - Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) thì đề nghị: “Không nên liệt kê cụ thể khái niệm quyền tư pháp vào Luật Tổ chức TAND mà chỉ nhận thức khái niệm đầy đủ và thể chế hóa vào trong các luật tố tụng”.
Bình Minh
Theo Pháp luật TP
Xuyên suốt giai đoạn tiền tố tụng Quyền tư pháp của tòa không chỉ cần bao quát xuyên suốt quá trình tố tụng và thi hành án mà cần phải vươn rộng ra cả giai đoạn tiền tố tụng. “Các biện pháp sử dụng đặc tình, nghe lén… (cũng xâm phạm quyền con người, quyền công dân) mà công an thực hiện trong giai đoạn trinh sát cũng phải được báo với VKS và phải được thẩm phán dự thẩm (chuyên trách) phê chuẩn. LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam |