Đây là đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Tờ trình dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội sáng nay (3/11).
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, để khuyến khích phát triển những lĩnh vực trọng tâm của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Chính phủ đã quyết định một số chính sách ưu đãi, khuyến khích tuy nhiên mới quy định ưu đãi về thuế nhập khẩu, về khả năng tiếp cận tín dụng. Các ưu đãi về thuế TNDN, ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất chưa đủ để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường, mở rộng đầu tư phát triển những lĩnh vực CNHT kể trên. Thực tế, theo quy định hiện hành thì lĩnh vực CNHT chưa thuộc lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN.
Qua thống kê, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành kinh tế trọng điểm tại Việt Nam hiện nay rất thấp. Trong 8 tháng năm 2014 kim ngạch nhập khẩu của cả nước là 94,162 tỷ USD (tăng 10,7% so với 8 tháng năm 2013); xuất khẩu là 97,233 tỷ USD (tăng 14,4%); xuất siêu là 3,171 tỷ USD. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, tổng kim ngạch nhập khẩu là 27,162 tỷ USD; xuất khẩu sang Trung Quốc là 9,833 tỷ USD; nhập siêu là 17,331 tỷ USD.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2013 tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước là 132,125 tỷ USD và xuất khẩu ra nước ngoài là 132,134 tỷ USD (trong đó riêng đối với thị trường Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu là 36,954 tỷ USD, xuất khẩu là 13,259 tỷ USD, nhập siêu 23,695 tỷ USD).
Trị giá nhập khẩu của các nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; nhóm hàng nguyên, phụ liệu (xăng dầu, sắt thép, phân bón, vật liệu dệt may) trong 8 tháng năm 2014 là 36,64 tỷ USD (tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2013). Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp các nhóm hàng này cho Việt Nam trong 8 tháng qua với trị giá là 12,86 tỷ USD (chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước).
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Tài chính, để thực hiện có hiệu quả việc thực hiện các Hiệp định chuẩn bị ký kết (TPP, Việt Nam-EU, Việt Nam - Hàn Quốc,...) yêu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để được hưởng ưu đãi phải đạt 60-65% nguyên vật liệu phải được sản xuất tại Việt Nam.
Do vậy, để góp phần giảm nhập siêu, thực hiện có hiệu quả việc thực hiện các cam kết quốc tế và hiệp định mà Việt Nam đang tham gia đàm phán cũng như tăng cường phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa đảm bảo cạnh tranh thắng lợi tại thị trường trong nước (90 triệu dân - sức mua bình quân 18-20%/năm) thì cần thiết phải có các chính sách phát triển lĩnh vực CNHT, để CNHT trở thành trụ cột thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung sản xuất sản phẩm CNHT được áp dụng ưu đãi thuế TNDN như sau: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 04 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; trường hợp đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí về đầu tư mở rộng quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì được hưởng ưu đãi thuế (cả thuế suất và thời gian miễn, giảm) theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có).
Đồng thời, để chính sách ưu đãi thuế khuyến khích đúng các sản phẩm CNHT cần ưu tiên sản xuất, qua đó phát huy lợi thế cạnh tranh, khả năng sản xuất trong nước và tiềm năng xuất khẩu, khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu hay tham gia chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm, thiết bị cho các công ty đa quốc gia, Chính phủ trình Quốc hội quy định tại dự thảo Luật các tiêu chí, nguyên tắc xác định sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được ưu đãi thuế để áp dụng cho những dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT, bao gồm: Sản phẩm CNHT cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao; Sản phẩm CNHT cho sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo và sản phẩm CNHT cho linh kiện điện tử, phụ tùng, cơ khí ô tô là sản phẩm tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật; Sản phẩm CNHT cho dệt may, da giày là những sản phẩm phụ tùng, linh kiện, phụ kiện mà tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa đạt được tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật.
Với các tiêu chí quy định nêu trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển./.
Vũ Hạnh