UBTV Quốc hội bàn cách đảm bảo an toàn thông tin

06/04/2015 15:43 PM

Sáng nay, 6/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật An toàn thông tin do Bộ TT&TT soạn thảo.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son báo cáo những nội dung chính của dự án Luật ATTT tại phiên họp thứ 37 của UBTVQH. Ảnh: VGP/Thành Chung

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết mạng internet đã trở thành trung tâm của nền kinh tế và xã hội của mọi quốc gia. Tuy nhiên, mạng internet đang trở thành môi trường cho những mối đe dọa mới mà chúng ta phải tìm cách để vượt qua.

Các cá nhân, tổ chức luôn phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên hơn, như làm biến dạng trang tin, lừa đảo trên mạng, tấn công từ chối dịch vụ, phát tán mã độc hại và virus máy tính, thư rác, đánh cắp thông tin, phá hoại dữ liệu…

Hiện nay, trên môi trường mạng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân ở tầm quốc gia sử dụng mạng để đánh cắp, thỏa hiệp hoặc phá hủy dữ liệu quan trọng của quốc gia khác. Vì vậy, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang đứng trước các mối đe dọa từ các tội phạm trên môi trường mạng.

Trong khi đó, hành lang pháp lý về an toàn thông tin (ATTT) ở trong nước còn thiếu, không đồng bộ và chưa theo kịp với hiện trạng phát triển của xã hội cũng như hội nhập quốc tế.

Cụ thể: Hiện chưa có một văn bản luật thống nhất điều chỉnh toàn diện công tác đảm bảo ATTT. Các văn bản pháp quy thường được xây dựng tập trung vào nhiệm vụ quản lý của từng lĩnh vực đơn lẻ, chỉ đề cập đến công tác đảm bảo ATTT ở từng phạm vi hẹp như Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin,…

Mặt khác, để triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Chính phủ thấy rằng các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác bảo đảm ATTT còn có những vấn đề bất cập, như thiếu các quy định về phân loại cấp độ ATTT của hệ thống thông tin, quy định quản lý sản phẩm ATTT cũng như quản lý dịch vụ ATTT,…

Hơn nữa, Việt Nam chưa có một văn bản ở tầm luật để điều chỉnh toàn diện hoạt động ATTT trên mạng bảo đảm một môi trường mạng an toàn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định chúng ta cần có các quy định pháp lý về ATTT để nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với thông lệ quốc tế bảo đảm ATTT, tạo môi trường bình đẳng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Dự án Luật gồm các nội dung chính là bảo đảm ATTT trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, mật mã dân sự tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTT, kinh doanh ATTT, phát triển nguồn nhân lực ATTT.

Nhiều ý kiến trong UBTVQH đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Bộ TT&TT với dự án luật này. Tuy nhiên, một số thành viên cũng cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là rộng, chỉ tập trung quy định về đảm bảo an ninh mạng.

Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, vấn đề ATTT rất rộng về phạm vi với các thông tin được thể hiện trên mạng internet, mạng di động, vô tuyến điện, trong đó có các nội dung thông tin gắn liền với cuộc sống thực tiễn của người dân và với công việc cụ thể cũng như vấn đề thông tin cá nhân.

“Do đó, vấn đề quan trọng nhất của dự án luật này là đảm bảo an ninh mạng, tránh lộ, lọt thông tin ảnh hưởng tới cá nhân và xã hội”, ông Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự án Luật cần đánh giá mức độ mất ATTT ở 3 cấp độ là: Vi phạm, đánh cắp thông tin trên mạng, xung đột thông tin và cấp độ chiến tranh mạng.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Ban Soạn thảo sẽ nghiên cứu để xây dựng luật phù hợp hơn, đồng thời không để vướng với các dự án luật khác.

Theo dự kiến, trong chương trình nghị sự kỳ họp thứ 9 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật ATTT.

Thành Chung

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,612

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]