Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank cho rằng, không nên nghiêm trọng thái quá chương trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Thay vào đó, phải đặt ra lộ trình hợp lý kèm theo việc thông tin đầy đủ cho người dân và doanh nghiệp để mọi người cùng hiểu rằng đây là việc làm cần thiết của nhà nước và mọi quyền lợi của người gửi tiền phải được đảm bảo vô điều kiện.
Ngoài ra, theo ông Hiệu, Ngân hàng Nhà nước cần coi trọng nguyên tắc tự nguyện trong việc giải thể, sáp nhập trên cơ sở giá thị trường giữa các ngân hàng với nhau.
Ông cảnh báo rằng, không nên tính đến việc mở rộng "room" cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm này và cũng không nên coi các ngân hàng nước ngoài là cứu cánh trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chủ quyền quốc gia nên được đặt lên hàng đầu và hãy coi đó là công việc nội bộ trước khi cần đến sự can thiệp của các tổ chức tài chính quốc tế.
Ông Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho tiến trình cơ cấu lại, đồng thời đóng vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này diễn ra suôn sẻ, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc cơ cấu lại.
Theo ông Ánh, vấn đề nổi cộm nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay là nợ xấu gia tăng và tính thanh khoản thấp nên Ngân hàng Nhà nước cần có nguyên tắc về xử lý nợ xấu và tính thanh khoản trước, trong và sau khi cơ cấu lại hệ thống ngân hàng để thực sự lành mạnh hóa hệ thống khi kết thúc tiến trình cơ cấu lại.
Báo cáo tại hội thảo cho biết, số liệu từ đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến hết tháng 8/2011 nợ xấu ( nhóm 3,4,5 ) của toàn hệ thống ngân hàng thương mại chiếm 3,21%/ tổng dư nợ, vào khoảng 76 nghìn tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 chiếm 30,18%, nhóm 4 chiếm 20,53% và nhóm 5 chiếm trên 49%. Điều đó đồng nghĩa các NHTM có nguy cơ mất trắng khoảng 33 nghìn tỉ đồng. |