Chính sách mới >> Tài chính 01/12/2011 17:24 PM

01/12/2011 17:24 PM

Giải pháp tăng vốn điều lệ cơ học bằng sáp nhập các NH yếu kém chỉ làm tăng quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản mà không thể cải thiện mức độ an toàn sau khi sáp nhập.

“Hiện nay, tỉ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng (NH) là 3,5%, trong đó đáng lo ngại là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn - PV) có xu hướng tăng nhanh từ đầu quý III năm 2011 đến nay.

Vì vậy nếu không có những biện pháp hữu hiệu để mỗi NH tái cơ cấu lại vốn của mình, thì nguy cơ bất ổn sẽ kéo dài, việc đổ vỡ là khó tránh khỏi” - TS Nguyễn Thị Mùi (thuộc Vietinbank) bày tỏ quan điểm tại Hội thảo tái cấu trúc hệ thống NH do Học viện tài chính tổ chức ngày 30.11.

Tù mù nợ xấu

Nợ xấu và quản trị yếu kém là hai nguyên nhân nội tại của hệ thống NH. Điều này khiến lo ngại cho sự an toàn hệ thống ngày càng gia tăng.

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệu (thuộc Vietinbank) dẫn số liệu: Nợ xấu của nhóm NH thương mại nhà nước tăng 66,18%; nhóm các NHCP tăng 44,29%; nhóm các NH liên doanh và NH nước ngoài tăng 59,23% so với cuối năm 2010.

Đó là chưa tính đến một lượng lớn vốn của tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu DN nhưng chưa được đánh giá và trích lập dự phòng đầy đủ những yếu tố này đang tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động của tổ chức tín dụng. Đến cuối năm 2011, tỉ lệ nợ xấu này có khả năng tăng lên tới 5%.

Trước đó, NH Nhà nước cho biết, tỉ lệ nợ xấu toàn ngành NH vào thời điểm tháng 9.2011 là 3,21% (cuối năm 2010 là 2,16%). Tuy nhiên, nếu tính theo chuẩn quốc tế (Fitch & Rating), tỉ lệ nợ xấu của các NH nước ta đã lên tới 13% tổng dư nợ, trong đó đáng lo ngại nhất là nợ xấu tín dụng bất động sản.

Hiện vấn đề nợ xấu của các NH được coi là rất nhạy cảm, nhưng nhiệm vụ đầu tiên của việc tái cấu trúc là phải rà soát con số về nợ xấu. Nếu không biết được con số này, nói như TS Lê Xuân Nghĩa, chương trình tái cấu trúc sẽ trở nên vô nghĩa.

Nhưng tới nay, mới chỉ có 8 NH niêm yết trên thị trường chứng khoán có công bố báo cáo tài chính. Do đó, các con số nợ xấu mới được công khai (đến 30.9, Vietinbank nợ xấu chiếm 1,37% tổng dư nợ; tại Vietcombank con số này là 3,9%; tại ACB là 1,07%...). Còn đối với những NH còn lại, nợ xấu gần như là bí ẩn.

Mạnh dạn phá sản?

PGS-TS Hoàng Mạnh Quỳnh - khoa NH – Bảo hiểm (Học viện Tài chính) cho rằng, các NH hiện nay khi nói tới nợ đọng nợ xấu thì ở mức cao, khả năng quản trị còn yếu kém.

“Khi đề cập đến tái cấu trúc NH thì cách xử lý đến nay vẫn thiên về khuynh hướng mua bán, sáp nhập. Không ai dám bàn đến biện pháp cho phá sản. Nếu không dám làm mạnh một lần thì hiện có một số NH tương đối kém sẽ như thế nào hay sẽ chỉ là tích tụ tổn thất?” - ông nói.

Bởi theo TS Hà Thị Thu Sáu - khoa NH (Học viện NH) thì giải pháp tăng vốn điều lệ cơ học bằng sáp nhập các NH yếu kém chỉ làm tăng quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản mà không thể cải thiện mức độ an toàn sau khi sáp nhập.

Theo TS Nguyễn Thị Mùi, đối với các NH thương mại năng lực tài chính hạn chế, luôn luôn thiếu thanh khoản thì NH Nhà nước cần nhanh chóng chỉ đạo theo hướng thu hẹp phạm vi kinh doanh (có thể là địa giới hành chính, có thể là phạm vi kinh doanh, có thể đồng thời thu hẹp cả hai). Bên cạnh đó, cần nhanh chóng sắp xếp dựa trên cơ sở tự nguyện theo hướng sáp nhập, hợp nhất, mua lại, thậm chí đóng cửa (loại bỏ), nhưng có định hướng rõ ràng từ cơ quan quản lý nhà nước.

Trong trường hợp phải đóng cửa có thể lấy nguồn xử lý từ nguồn bảo hiểm tiền gửi; có thể bán các khoản nợ sang các NHTM khác mạnh hơn.

“Tuy nhiên, trong mọi trường hợp cần phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân gửi tiền vào NH này” - TS Mùi nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng lưu ý, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện một vài NHTM lớn hỗ trợ vốn với hạn mức nhất định cho một số NHTM nhỏ. Cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý động thái này, để tránh một số NHTM có quy mô lớn hơn tham gia quá nhiều vào việc hỗ trợ vốn, điều này không dễ giải quyết được tận gốc vấn đề yếu kém của NH nhỏ, nhưng lại dễ làm suy yếu sức mạnh tài chính của chính tổ chức này và sẽ gây bất ổn cho cả hệ thống ở giai đoạn sau.

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệu:

“Điều quan trọng của quá trình tái cấu trúc là phải thiết lập được một bộ tiêu chí rõ ràng để có thể phân loại được các tổ chức tài chính NH cần phải tái cơ cấu, những NH tổ chức tài chính cần được củng cố, những NH, tổ chức tài chính nào cần phải loại bỏ. Đây là việc làm khó nhưng lại tối quan trọng, bởi nếu làm không khéo sẽ bị lái theo những ý đồ chính trị cá nhân hoặc bị tác động bởi lợi ích nhóm khiến cho quá trình tái cơ cấu ít có cơ hội thành công”.


Theo Lưu Thuỷ
Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,468

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]