Chính sách mới >> Tài chính 28/04/2012 14:11 PM

28/04/2012 14:11 PM

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là ba vấn đề bức xúc nhất hiện nay.

ảnh minh họa

Đó là khẳng định của ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong buổi họp trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 27-4 về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế.

Trong lĩnh vực tái cơ cấu tổ chức tín dụng, theo ông Vinh, trọng tâm là cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán, các định chế tài chính. Mục tiêu là để loại bỏ nguy cơ mất an toàn hệ thống tài chính, đồng thời tạo điều kiện để hệ thống tài chính phát triển bền vững và thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng trung gian và chuyển tải tác động của chính sách tiền tệ đến khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình…

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng với mục tiêu phát triển thị trường tài chính lành mạnh, khắc phục hậu quả của khủng hoảng và các hạn chế mang tính hệ thống của thị trường tài chính cần có lộ trình phù hợp. Từ năm 2012-2015, phải tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. Ngoài ra, cần làm rõ nguồn tài chính thực hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, phải có các biện pháp cụ thể để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, đoàn đại biểu Vĩnh Phúc, cho rằng kiểm tra được tài sản cụ thể để đánh giá mức độ rủi ro của ngân hàng thì sẽ kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng chứ không chỉ dừng lại ở việc sáp nhập. Ngoài ra, theo ông Bảo, hiện đang có tình trạng đáng báo động là tín dụng đen rất phát triển. “Tôi đề nghị nếu chúng ta muốn làm lành mạnh, phải đẩy lùi được tình trạng này để tạo lòng tin cho người dân” - ông Bảo nói. Theo ông, để làm được việc đó, ngân hàng buộc phải đưa ra trần lãi vay. Có như vậy doanh nghiệp mới tiếp cận được nguồn vốn. Về vấn đề tái cơ cấu tập đoàn nhà nước, ông Bảo đề nghị phải mạnh dạn công khai số lượng, vốn chủ sở hữu trên vốn vay là bao nhiêu, hoạt động sắp tới như thế nào để có định hướng.

Ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Hải Phòng, cũng cho rằng đây là đề án lớn nhưng dự án còn dàn trải, tiến độ và nguồn lực kinh phí là bao nhiêu chưa rõ. Chưa thực sự làm rõ được các trọng tâm mang tính đột phá. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho rằng cần tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá. Muốn vậy, chúng ta phải xác định, nhận diện được điểm yếu của tái cấu trúc là gì.

Cần quan tâm hiệu quả sử dụng vốn

Trong quá trình thực hiện nhóm giải pháp tái cơ cấu tài chính, chúng ta phải tập trung quan tâm đến DN vừa và nhỏ để các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn. Hiện nay các DN phá sản rất nhiều, còn có số DN nằm bên bờ phá sản nữa, công nhân thất nghiệp nhiều. Nếu DN không tiếp cận được vốn chính thức thì tín dụng đen sẽ có khả năng mạnh hơn, càng nguy hiểm hơn. Do đó, cần làm rõ vấn đề tín dụng.

Cần phải quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư Nhà nước, cần tránh đầu tư dàn trải.

TRƯƠNG MINH HOÀNG, đại biểu Quốc hội Cà Mau

Không làm đảo lộn

Đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu, hoàn thiện đề án với chất lượng cao hơn. Đồng thời, dự báo những biến động chính trị-xã hội trong thời gian tới. Trong việc tái cấu trúc các tổng công ty nhà nước thì cần làm rõ các vấn đề về nợ, việc làm, nhập tách thế nào.

Chúng ta thực hiện tái cơ cấu là để cho nền kinh tế tốt hơn chứ không phải làm cho đảo lộn, xáo trộn, không thì đến năm 2015 ta cũng chưa làm được!

Bà NGUYỄN THỊ KIM NGÂN, Phó Chủ tịch Quốc hội

Theo Yên Trang

PLTP


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,867

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]