Logic tham nhũng
Nói về tham nhũng trong hệ thống
chính quyền - một chủ đề đã từ ít nhất 6 năm qua được coi là quốc nạn,
có lẽ không cần nhắc lại những kết quả hoặc con số phòng chống mà vẫn bị
giới chức trong Đảng đánh giá là “còn quá khiêm tốn”.
Điều dễ hiểu là đỉnh điểm của những vụ việc đã tưởng như đỉnh điểm trong quá khứ - vụ án Vinashin với con số thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng cùng rất nhiều khuất tất vẫn chưa được làm rõ, có thể gián tiếp và cả trực tiếp liên đới với trách nhiệm một số quan chức nào đó, vẫn là một cái gai nhọn trong đồng tử xã hội.
Cũng ít nhất trong 6 năm qua, nếu tính từ thời điểm vụ PMU 18 “khép” lại, tham nhũng lại chính là logic tự thân của nó. Một khi những vụ án khổng lồ như Vinashin không được xử lý thấu đáo, hiển nhiên cái logic như thế đã hiện hình những vụ án khác như Vinalines.
Chỉ vào năm 2011, cụm từ “lợi ích nhóm” dường như mới chín muồi để được bật ra một cách công khai, và hơn thế nữa là logic của sự công khai này đã dẫn đến một khái niệm ghê gớm hơn nhiều: “Nhóm lợi ích”.
Năm 2011 cũng là thời gian đặc trưng cho một cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có nhưng cũng không đáng có, với một trong những nguyên nhân chính gây ra nó là thực tế điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, dù vẫn được giới chức chính quyền cho là “linh hoạt và uyển chuyển”, nhưng lại làm cạn kiệt sức đề kháng của ít nhất một phần ba số doanh nghiệp. Tỷ lệ lạm phát - dù được cho là “tăng ở mức kiềm chế”, nhưng liệu có ý nghĩa gì khi tỷ lệ thất nghiệp thực tế chắc chắn đã khác xa với số liệu vài ba phần trăm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội?
Đó cũng là bối cảnh mà cụm từ “nhóm lợi ích” được kết cấu thêm cái đuôi của nó: nhóm lợi ích ngân hàng. Trong nguyên năm 2011 và nửa đầu năm 2012, cụm từ này trở nên thịnh hành đến nỗi chỉ cần nhìn vào nó, người ta đã có thể hình dung ra hố phân hóa thu nhập giữa ngành ngân hàng và các doanh nghiệp khác lên đến ít nhất vài chục lần.
Logic điều hành chính sách kinh tế hoàn toàn có thể dẫn dắt logic đặc quyền và tiếp nối là đặc lợi. Ít nhất trong nửa cuối năm 2011, trùng với thời gian Chính phủ mới được hình thành, dư luận xã hội về cách hành xử thiên vị cho nhóm lợi ích ngân hàng là không hề nhỏ. Thậm chí, còn diễn ra quá nhiều phản ứng dư luận về những nhóm lợi ích bao cấp khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty kinh doanh xăng dầu Việt Nam - những địa chỉ đã được hưởng ưu ái đến bất thường, đầy nghi vấn và cũng luôn tiềm ẩn mưu toan đổ lỗ kinh doanh trái ngành lên đầu hàng chục triệu người dân đóng thuế.
Chưa bao giờ kể từ năm 1975 đến nay, logic tham nhũng lại hoàn thành “chức trách nhiệm vụ” của nó một cách “xuất sắc” như thế.
Kinh tế càng khó khăn, xã hội lại càng bị điêu đứng bởi nạn tham nhũng từ cấp cao đến tận cấp cơ sở, tạo nên một “mặt bằng văn hóa tham nhũng” chưa từng có tiền lệ, đẩy đất nước vào nguy cơ của một cơn hoạn nạn, mà nếu không được chỉnh đốn thật sự quyết liệt, sẽ không còn cơ hội nào cho niềm tin dân tộc hồi phục.
Không quá cường ngôn, như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng và nhóm lợi ích sẽ gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự tồn vong của chế độ.
Logic của chống tham nhũng
Phải làm gì để chống tham nhũng và các nhóm lợi ích đang không thèm giấu mặt?
Nguyện vọng của Đảng cũng là ý nguyện của dân. Không thể đẩy những chiến sĩ chống tham nhũng ra mặt trận với tư thế tay không vũ khí.
Nhưng một đất nước với 90 triệu dân lại không thể không có vũ khí. Một cách tương ứng, Đảng cũng luôn có và sẽ có vũ khí chống tham nhũng nếu những người lãnh đạo Đảng tỏ ra kiên quyết và biết cách hành động một cách thực chất.
Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng chính là vũ khí đó. Đó là một cơ chế và bộ máy có sẵn, chỉ là nên vận dụng nó như thế nào, phân định rạch ròi những nhân sự khách quan có quyền quyết định vận hành nó, và cuối cùng là cần tập trung hỏa lực của nó vào đối tượng nào mà thôi.
Trong một thời gian dài, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đã thuộc về Chính phủ. Lẽ tất nhiên cơ quan này phải được đảm trách và chỉ đạo bởi cấp thấp nhất là một phó thủ tướng. Còn người chịu trách nhiệm chính về hoạt động và kết quả của nó là Thủ tướng.
Kết quả cũng đã có, ít nhất trong 6 năm qua. Song như những đánh giá lặp đi lặp lại qua từng năm về mức độ “còn quá khiêm tốn”, rõ ràng cơ chế Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trực thuộc chính quyền đã không thích ứng nhanh, đầy đủ trách nhiệm và cả công tâm với diễn biến tham nhũng - vốn đã tăng vọt theo cấp số nhân tại các cấp chính quyền thừa hành có điều kiện trực tiếp đụng chạm với người dân và doanh nghiệp.
Cũng bởi thế, việc Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng được chính thức đưa về quyền lãnh đạo và chỉ đạo của Tổng bí thư có thể được xem không chỉ như một sự kiện chính trị mà còn là một tín hiệu tốt lành về dân sinh.
Cùng với Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, một vũ khí khác mà Đảng có thể dựa vào và có thể đạt được kết quả khích lệ nếu biết vận dụng - Ban Nội chính trung ương và hệ thống ngành dọc của cơ quan này.
Được tái lập sau một thời gian dài ngắt quãng, giờ đây đang có hơi hướng cơ quan nội chính sẽ được nhấn mạnh hơn, không chỉ về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng mà đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng.
Cần nhắc lại, trong thời gian trước khi Việt Nam mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, hệ thống nội chính đã có một vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống thanh sát của Đảng. Cơ quan này thường thể hiện rõ vai trò của nó tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Còn vào giai đoạn mở cửa, một trong những minh họa tiêu biểu nhất về vai trò của cơ quan nội chính lại là thành phố Đà Nẵng.
Được coi là “môi trường đáng sống nhất cả nước”, một địa chỉ được bảo đảm an ninh trật tự và ít sắc màu tham nhũng, Đà Nẵng cũng ghi nhận sự đóng góp của một số cơ quan hệ đảng, mà theo Bí thư Thành ủy thành phố này - người được dư luận gần đây nhận định là “Hiện tượng Nguyễn Bá Thanh”, vai trò của Ban Nội chính là “rất cần thiết”.
Sự cần thiết ấy có tác động và ý nghĩa gì đối với hệ thống chính quyền đương nhiệm? Thời gian sẽ trả lời câu hỏi đó.