Chính sách mới >> Tham nhũng 27/08/2012 17:09 PM

Điều tra bí mật tội phạm tham nhũng: Không nên luật hóa

27/08/2012 17:09 PM

Bộ Công an có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp, không xâm phạm quyền công dân nhằm phục vụ cho nhu cầu hỗ trợ cho hoạt động chứng minh tội phạm.

“Việc điều tra bí mật đối với các đối tượng có dấu hiệu tham nhũng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta không nên luật hóa quy định trên để tránh tình trạng lợi dụng để “đấu đá”, “gắp lửa bỏ tay người” cũng như xâm phạm bí mật đời tư của công dân”. Đó là ý kiến của ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc điều tra bí mật đối với tội phạm có dấu hiệu tham nhũng.

Tránh tình trạng “gắp lửa bỏ tay người”

. Thưa ông, mới đây Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kiến nghị: Nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội tham nhũng thì cơ quan điều tra được phép áp dụng các biện pháp điều tra bí mật để thu thập chứng cứ trước khi khởi tố. Trước đó, tại kỳ họp thứ 3, khi trả lời chất vấn đại biểu QH, bộ trưởng Bộ Công an đã đề nghị đưa vấn đề trên vào Luật Phòng, chống tham nhũng và luật tố tụng hình sự. Ý kiến của ông thế nào về những đề xuất trên?

+ Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng thường có mâu thuẫn giữa nhu cầu khám phá, phát hiện tội phạm với việc bảo vệ quyền tự do của công dân. Vì thế, nhiều nước trên thế giới rất sợ có người lợi dụng việc điều tra bí mật để xâm phạm đời tư công dân. Do đó họ quy định chỉ có thẩm phán cấp cao mới có quyền cho phép cảnh sát nghe trộm điện thoại, bóc thư bí mật, khám xét bí mật. Đấy là cách để người ta bảo vệ quyền công dân, quyền bí mật đời tư…

Ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH. Ảnh: THÀNH VĂN

Thực tế ở nước ta khi điều tra các vụ trọng án chúng ta cũng đã áp dụng biện pháp trinh sát, điều tra bí mật. Tuy nhiên, chúng ta chưa luật hóa là trường hợp này thì được điều tra bí mật, trường hợp kia không được điều tra bí mật... Do đó, có thể hiểu rằng đây là biện pháp trinh sát và luật không cấm nhưng khi thực hiện phải bảo đảm không được xâm phạm đến quyền tự do, quyền bí mật đời tư của công dân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng đối với các loại tội phạm như tham nhũng, buôn lậu, rửa tiền, nếu chỉ thực hiện các biện pháp công khai thì không bao giờ phát hiện, làm rõ được. Cho nên tôi hoàn toàn ủng hộ Bộ Công an thực hiện biện pháp điều tra bí mật đối với tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên, phải xác định đó chỉ là biện pháp nghiệp vụ của ngành chứ không nên quy định rõ ràng trong Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như luật tố tụng hình sự. Vì nếu luật hóa rất dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng quy định này để đấu đá, hạ bệ nhau. Muốn chứng minh tội phạm thì biện pháp là không thiếu nhưng các biện pháp đó phải đàng hoàng theo đúng quy định của pháp luật, chứ để xảy ra tình trạng “gắp lửa bỏ tay người” là rất nguy hiểm.

Sử dụng các biện pháp phù hợp

. Nhưng nếu không đưa vào luật thì chúng ta lại không có căn cứ pháp lý để thực hiện?

+ Thực tiễn chúng ta vẫn đang thực hiện các biện pháp trinh sát đấy thôi và các biện pháp đó không trái pháp luật, không vi phạm quyền công dân. Do đó, với chức năng, thẩm quyền của mình, Bộ Công an có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp, không xâm phạm quyền công dân nhằm phục vụ cho nhu cầu hỗ trợ cho hoạt động chứng minh tội phạm. Chứ luật hóa thì không phù hợp với quyền con người và nhiều lý do khác như tôi đã nói ở trên.

. Vậy theo ông, chúng ta cần có biện pháp gì để ngăn chặn, không để tội phạm tham nhũng bỏ trốn?

+ Trước hết, việc điều tra phải bảo đảm khách quan, vô tư, làm nghiêm, xử lý nghiêm. Đặc biệt, khi cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra. Căn cứ vào đó, chúng ta tiến hành giám sát chặt chẽ các đối tượng có dấu hiệu vi phạm thì họ sẽ không bao giờ có cơ hội bỏ trốn. Nếu chúng ta buông lỏng giám sát thì người ta sẽ trốn ngay, bởi bản chất tội phạm là luôn tìm mọi cách để tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Do đó, họ luôn tìm mọi cơ hội để bỏ trốn khi thấy nguy hiểm, có dấu hiệu bị pháp luật “đụng” đến.

Điều tra bí mật để ngăn đối tượng bỏ trốn

Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc về các biện pháp nghiệp vụ, mặc dù theo quy định của pháp luật trước khi khởi tố bị can, có lệnh bắt và khám xét đối với ông Dương Chí Dũng thì chưa được áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

Nhân vụ việc này, chúng tôi xin kiến nghị với QH và các cơ quan chức năng sau này khi nghiên cứu và sửa đổi luật tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết và được tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có những chứng cứ, dấu hiệu phạm tội tham nhũng để tránh tình trạng đối tượng tìm cách bỏ trốn. Việc này đối với tội phạm ma túy và các tội phạm xâm hại đến an ninh quốc gia thì pháp luật đã cho phép, chúng tôi kiến nghị sau này nếu sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng và luật tố tụng hình sự đề nghị QH cho phép cơ quan điều tra được áp dụng những biện pháp điều tra trinh sát và biện pháp ngăn chặn cần thiết, người ra quyết định đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với quyết định của mình.

(Trích trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tại kỳ họp thứ 3 - QH khóa XIII về việc ông Dương Chí Dũng bỏ trốn)

THÀNH VĂN thực hiện

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,086

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]