Bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 và 07 điều cần biết

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
25/12/2022 09:52 AM

Cho tôi hỏi bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 được quy định như thế nào? - Xuân Lan (Quảng Nam)

Bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 và 07 điều cần biết

Bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 và 07 điều cần biết

1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

(Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013)

2. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 42 Luật Việc làm 2013, bao gồm:

- Trợ cấp thất nghiệp.

- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.

- Hỗ trợ học nghề.

- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

3. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo Điều 43 Luật Việc làm 2013 thì đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

* Đối với người lao động:

Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Lưu ý: Người lao động theo quy định trên đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

* Đối với người sử dụng lao động:

Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân;

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

4. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo Điều 45 Luật Việc làm 2013, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để hưởng bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm 2013.

- Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.

5. Cách xác định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

(Khoản 2 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP)

6. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2023

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 như sau:

- Người sử dụng lao động đóng 1%.

- Người lao động đóng 1%.

Xem thêm: Mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT năm 2023

7. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp

Theo Điều 58 Luật Việc làm 2013 thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

- Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp 2023

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 23,566

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]