Đại diện theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự 2015

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
25/08/2022 15:37 PM

Thế nào là đại diện theo pháp luật? Các quy định về đại diện theo pháp luật như thế nào? - Huy Hoàng (Hậu Giang)

Đại diện theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự 2015

Đại diện theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự 2015

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đại diện theo pháp luật là gì?

Theo Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015, đại diện là việc cá nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

Đại diện theo pháp luật bao gồm: đại diện theo pháp luật của cá nhân và đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

2. Các loại đại diện theo pháp luật

2.1. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

Theo Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015, đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm:

- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

- Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

- Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015.

- Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2.2. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm

- Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

- Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

- Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Ngoài ra, một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015. (Theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015)

3. Thời hạn đại diện theo pháp luật

Thời hạn đại diện theo pháp luật được xác định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo pháp luật như trên, thì thời hạn đại diện được xác định theo khoản 2 Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;

- Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

4. Phạm vi đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

- Điều lệ của pháp nhân;

- Quy định khác của pháp luật.

Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định trên thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

5. Các trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật

Theo khoản 4 Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015, đại diện theo pháp luật sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

- Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;

- Người được đại diện là cá nhân chết;

- Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

- Căn cứ khác theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 64,698

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]