Chế độ phụ cấp thường trực đối với người lao động tại các cơ sở y tế

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
05/12/2022 18:58 PM

Cho hỏi mức hưởng chế độ phụ cấp thường trực đối với bác sĩ trực đêm hiện nay thế nào? – Nguyên Sa (Đà Nẵng)

Chế độ phụ cấp thường trực đối với người lao động tại các cơ sở y tế

Chế độ phụ cấp thường trực đối với người lao động tại các cơ sở y tế

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mức hưởng chế độ phụ cấp thường trực

Theo khoản 3 Điều 2 Quyết định 73/2011/QĐ-TTg, chế độ đối với người lao động tham gia thường trực được quy định như sau:

* Chế độ phụ cấp thường trực:

- Người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp như sau:

+ 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt.

+ 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II.

+ 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương.

+ 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y.

- Người lao động thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ;

- Người lao động thường trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.

Nếu thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên.

Nếu thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.

* Các chế độ khác:

- Người lao động thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực.

- Người lao động được nghỉ và được hưởng nguyên lương sau khi tham gia thường trực như sau:

+ Thường trực 24/24 giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần được nghỉ bù 01 ngày; vào các ngày lễ, Tết được nghỉ bù 02 ngày;

+ Thường trực theo ca 12/24 giờ hoặc ca 16/24 giờ được nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm việc vào giờ nghỉ trên thì phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật về lao động.

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm thêm giờ thì phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. 

Người làm việc vào ca đêm được trả tiền lương làm việc vào ban đêm theo quy định của pháp luật về lao động.

* Lưu ý:

- Mức hưởng chế độ phụ cấp thường trực nêu trên không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.

- Chế độ phụ cấp thường trực được tính trên cơ sở số ngày thực tế tham gia theo phân công của cấp có thẩm quyền và được trả cùng tiền lương hàng tháng.

(Khoản 1, 3 Điều 5 Quyết định 73/2011/QĐ-TTg)

2. Nguyên tắc thực hiện chế độ phụ cấp thường trực

Nguyên tắc thực hiện chế độ phụ cấp thường trực được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 73/2011/QĐ-TTg như sau:

- Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh căn cứ vào tình hình thực tế về nhân lực và hoạt động của từng bộ phận trong đơn vị để quyết định hình thức bố trí người lao động làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ.

Trường hợp thiếu nhân lực, không thể bố trí người làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ, kể cả các khu vực nêu sau đây thì phải bố trí người lao động thường trực 24/24 giờ;

- Đối với khoa, khu vực đặc biệt gồm: 

+ Khoa hồi sức cấp cứu, khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, khoa hồi sức sơ sinh, khoa điều trị tích cực, khoa cấp cứu, khoa chống độc;

+ Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II;

+ Khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần cấp tính ở bệnh viện và trung tâm chuyên khoa tâm thần.

Thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí người lao động làm việc theo ca như sau:

++ Ngày làm việc gồm 03 ca, mỗi ca làm việc 08 giờ;

++ Ngày làm việc gồm 02 ca: một ca làm việc 08 giờ theo giờ hành chính và một ca làm việc 16 giờ hoặc mỗi ca làm việc 12 giờ.

3. Đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp thường trực

Căn cứ khoản 2 Điều 1 Quyết định 73/2011/QĐ-TTg, chế độ phụ cấp thường trực áp dụng đối với các đối tượng sau:

- Công chức; viên chức; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP làm việc tại:

+ Cơ sở y tế công lập;

+ Trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế quân dân y (gọi chung là trạm y tế xã);

+ Cơ sở chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

+ Cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ sở y tế của Quân đội nhân dân. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương; công nhân, viên chức và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong cơ sở y tế của Công an nhân dân;

- Thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp; cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch.

Công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, binh sĩ, công nhân quốc phòng, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nêu trên gọi chung là người lao động.

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 32,243

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]