Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
10/01/2023 16:00 PM

Xin hỏi về mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa là bao nhiêu? - Thùy Linh (Long An)

Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa 

Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa 

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng phụ cấp độc hại, nguy hiểm với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa 

Phạm vi và đối tượng áp dụng phụ cấp độc hại, nguy hiểm với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa theo Mục I Thông tư 26/2006/TT-BVHTT (nay là Bộ VHTTDL) như sau:

Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trong ngành văn hóa - thông tin hưởng lương theo các bảng lương ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP;

Đồng thời, hiện đang trực tiếp làm các nghề, công việc mà yếu tố độc hại, nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương.

2. Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa 

Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa theo Mục II Thông tư 26/2006/TT-BVHTT như sau:

* Mức 4: Hệ số 0,49 so với lương tối thiểu áp dụng đối với diễn viên xiếc, uốn dẻo, dế trụ, nhào lộn và xiếc biểu diễn trên cao.

* Mức 3: Hệ số 0,30 so với lương tối thiểu áp dụng đối với những người trực tiếp làm các nghề, công việc sau:

- Múa ballet, múa cổ truyền và diễn viên tuồng;

- Nhạc hơi, nhạc trưởng (chỉ huy);

- Diễn viên xiếc (trừ đối tượng hưởng mức 4);

- Dạy thú xiếc;

- Khảo sát, khai quật, khảo cổ;

- Vận hành, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị kỹ thuật trong nhà hầm của bảo tàng.

* Mức 2: Hệ số 0,20 so với lương tối thiểu áp dụng đối với những người trực tiếp làm các nghề, công việc sau:

- Vận hành máy in ôpsét, typô, máy xén, kẻ giấy;

- Sửa chữa cơ điện, các máy công cụ, máy in, xén;

- Tráng mạ, phơi và sửa bản kẽm;

- Chụp ảnh, truyền phim sang bản kẽm;

- Sắp chữ điện tử;

- Pha chế, bảo quản các loại hóa chất;

- Vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thương binh sản xuất phim;

- Dựng cảnh, làm khói lửa trong phim;

- Tráng phim, rửa ảnh;

- Dựng nhà bạt, rạp xiếc lưu động, nhà trưng bày triễn lãm;

- Chăm sóc, nuôi dưỡng thú xiếc;

- Làm con rối;

- Nhạc công trong các dàn nhạc, đội nhạc;

- Diễn viên chèo, cải lương, dân ca, kịch, điện ảnh và ca sĩ chuyên nghiệp;

- Hướng dẫn khách thăm quan bảo tàng Hồ Chí Minh;

- Kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, thư viện và viện lưu trữ;

- Tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện, viện lưu trữ và bảo tàng;

- Mộc chạm các công trình di tích lịch sử, tạc tượng và điêu khắc;

- Thông tin lưu động của các tỉnh miền núi và hải đảo.

3. Cách tính và chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa 

Cách tính và chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa theo Tiểu mục 1 Mục I Thông tư 26/2006/TT-BVHTT như sau:

- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm, nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 tiếng trở lên thì được tính cả ngày làm việc.

- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,038

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]