Đề xuất lựa chọn cá nhân nữ để xét khen thưởng khi có nhiều cá nhân cùng đủ điều kiện

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
17/05/2023 14:15 PM

Đề xuất lựa chọn cá nhân nữ để xét khen thưởng khi có nhiều cá nhân cùng đủ điều kiện là nội dung tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Nội vụ (Dự thảo Thông tư).

Đề xuất lựa chọn cá nhân nữ để xét khen thưởng khi có nhiều cá nhân cùng đủ điều kiện

Đề xuất lựa chọn cá nhân nữ để xét khen thưởng khi có nhiều cá nhân cùng đủ điều kiện (Hình từ Internet)

Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Nội vụ, trong đó đề xuất lựa chọn cá nhân nữ để xét khen thưởng khi có nhiều cá nhân cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Nội vụ

1. Đề xuất lựa chọn cá nhân nữ để xét khen thưởng khi có nhiều cá nhân cùng đủ điều kiện

Tại khoản 2 Điều 2 Dự thảo Thông tư, việc khen thưởng được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

- Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời; 

- Hình thức khen thưởng phải phù hợp với đối tượng, chức năng, nhiệm vụ được giao của tập thể, cá nhân và thành tích đạt được;

- Khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn. 

Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được.

- Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng. 

- Thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ được giảm 02 năm so với quy định chung; 

Trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được thực hiện theo quy định chung.

2. Các loại hình khen thưởng (Đề xuất)

Các loại hình khen thưởng tại Điều 3 Dự thảo Thông tư như sau:

- Khen thưởng công trạng là khen thưởng cho cá nhân, tập thể thường xuyên có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Khen thưởng đột xuất là khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình lập được thành tích xuất sắc đột xuất.

- Khen thưởng phong trào thi đua là khen thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua do cấp có thẩm quyền phát động, chỉ đạo trong thời gian cụ thể hoặc thi đua theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.

- Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động lâu dài trong các giai đoạn cách mạng hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có công lao, thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

- Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài có thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

3. Điều kiện áp dụng khen thưởng (Đề xuất)

Tại Điều 4 Dự thảo Thông tư, điều kiện áp dụng khen thưởng quy định như sau:

- Chỉ lấy kết quả khen thưởng theo công trạng và thành tích làm căn cứ xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. 

Kết quả khen thưởng theo đợt (chuyên đề) được ghi nhận và ưu tiên khi xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

- Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng tập thể, cá nhân trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.

- Thời gian đề nghị khen thưởng lần tiếp theo được tính theo thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước. 

Đối với quyết định khen thưởng không ghi thời gian thì việc đề nghị khen thưởng lần sau được tính theo thời gian ban hành quyết định khen thưởng lần trước.

- Không khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, bị kỷ luật ở hình thức ở mức buộc thôi việc. 

Đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, sau đó đã sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu và được kết nạp lại vào Đảng, nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định thì được xét khen thưởng.

- Hạ một mức khen đối với cá nhân đã bị kỷ luật lưu Đảng, khai trừ ra khỏi Đảng sau đó được kết nạp lại, cá nhân: Bị cách chức, giáng chức, hạ bậc lương, cảnh cáo. 

Hình thức kỷ luật chỉ xem xét một lần đối với một hình thức khen thưởng.

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,045

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]