Đại biểu Quốc hội được phép mặc trang phục gì tại kỳ họp Quốc hội? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 28 Nội quy Kỳ họp Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15), trang phục của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội được quy định như sau:
(i) Đại biểu Quốc hội, cá nhân khác được mời tham dự, dự thính phiên họp tại kỳ họp Quốc hội có trách nhiệm giữ trật tự phiên họp; tuân thủ các quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội về trình tự, thủ tục tiến hành các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội;
Trang phục nghiêm túc; sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ lịch sự; tôn trọng đại biểu Quốc hội, cá nhân khác, cơ quan, tổ chức tại phiên họp; không sử dụng thiết bị nghe nhìn cá nhân, điện thoại di động trong phiên họp kín, phiên họp về nội dung nhân sự.
(ii) Tại phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, Lễ tuyên thệ, đại biểu Quốc hội và khách mời mặc com-lê, áo dài truyền thống hoặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng vũ trang nhân dân.
(iiii) Trường hợp đại biểu Quốc hội hoặc cá nhân khác được mời tham dự, dự thính phiên họp không tuân thủ quy định tại (i) thì Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp nhắc nhở và yêu cầu đại biểu Quốc hội, cá nhân đó chấp hành nghiêm túc quy định.
Như vậy khi tham gia tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải diện trang phục nghiêm túc, trong đó tại phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, Lễ tuyên thệ, đại biểu Quốc hội mặc com-lê, áo dài truyền thống hoặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng vũ trang nhân dân.
Cụ thể tại Điều 3 Nội quy Kỳ họp Quốc hội quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội như sau:
- Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận, góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp Quốc hội và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
-Trường hợp không thể tham dự kỳ họp Quốc hội,phiên họp theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm sau đây:
+ Báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội nếu vắng mặt từ 02 ngày làm việc trở xuống trong cả kỳ họp Quốc hội;
+ Báo cáo bằng văn bản, có nêu rõ lý do đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định nếu không thể tham dự kỳ họp Quốc hội hoặc vắng mặt tổng số trên 02 ngày làm việc trong cả kỳ họp Quốc hội.
Trường hợp vắng mặt vì lý do sức khỏe hoặc lý do bất khả kháng thì đại biểu Quốc hội báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội;
+ Trường hợp vắng mặt để thực hiện nhiệm vụ của kỳ họp Quốc hội theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội thì đại biểu Quốc hội báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Danh sách đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp Quốc hội, vắng mặt tại phiên họp theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này được ghi vào biên bản phiên họp, biên bản kỳ họp Quốc hội.
- Đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin về kỳ họp Quốc hội phải bảo đảm chính xác, khách quan; không tiết lộ thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước, nội dung các phiên họp kín của Quốc hội.
- Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm sử dụng, bảo quản tài liệu của kỳ họp Quốc hội theo quy định của pháp luật; trả lại tài liệu cần thu hồi theo yêu cầu; sử dụng, bảo quản huy hiệu đại biểu Quốc hội, thẻ đại biểu Quốc hội, trang thiết bị được trang cấp theo quy định.
Theo khoản 1 Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020), đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
Khi đó, đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.