Người đại diện hợp pháp của người bệnh là ai?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
31/07/2023 16:41 PM

Xin hỏi theo quy định của pháp luật mới nhất từ ngày 01/01/2024 thì người đại diện hợp pháp của người bệnh là ai? - Tuyết Mai (Phú Yên)

Vấn đề về người đại diện hợp pháp của người bệnh được quy định cụ thể tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024) như sau:

Một người bệnh có mấy người đại diện?

Theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; còn người đại diện của người bệnh là người thay thế cho người bệnh thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 trong phạm vi đại diện.

Một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện, hậu quả pháp lý của hành vi đại diện, thời hạn đại diện, phạm vi đại diện thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Người đại diện hợp pháp của người bệnh là ai?

Người đại diện hợp pháp của người bệnh là ai? (Hình từ internet)

Người đại diện hợp pháp của người bệnh là ai?

Căn cứ Khoản 2 Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì người đại diện của người bệnh phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bao gồm:

- Người do người bệnh là người thành niên tự lựa chọn;

- Người do thành viên gia đình của người bệnh lựa chọn trong trường hợp người bệnh là người thành niên không thể tự lựa chọn và không có ủy quyền trước khi rơi vào tình trạng không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

- Người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc người được pháp nhân phân công mà pháp nhân đó chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Người không thuộc đối tượng nêu trên nhưng tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Việc thay thế người đại diện được thực hiện thế nào?

Căn cứ Khoản 3 Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì việc thay thế người đại diện được thực hiện như sau:

- Trường hợp thay thế người đại diện do người bệnh tự lựa chọn thì phải có xác nhận của người bệnh;

- Trường hợp thay thế người đại diện do thành viên gia đình của người bệnh lựa chọn thì phải có xác nhận của người bệnh hoặc thành viên gia đình của người bệnh;

- Trường hợp người đại diện là cha mẹ đối với con chưa thành niên thì khi thay thế người đại diện không phải có xác nhận của người bệnh;

- Trường hợp người đại diện là người giám hộ, người do Tòa án chỉ định, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người được pháp nhân phân công thì việc thay thế người đại diện phải được thực hiện bằng quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

- Trường hợp người đại diện là người đại diện theo ủy quyền thì việc thay thế người đại diện phải được thực hiện bằng văn bản ủy quyền theo quy định.

Việc phẫu thuật chỉ được thực hiện khi người đại diện của người bệnh đồng ý?

Căn cứ quy định tại Điều 65 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì việc phẫu thuật hoặc can thiệp có xâm nhập cơ thể đối với người bệnh chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh.

Việc phẫu thuật hoặc can thiệp có xâm nhập cơ thể đối với người bệnh là người bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên hoặc người bệnh không có thân nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,533

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]