Tổng hợp văn bản quy định trường hợp nghỉ hưu sớm không bị trừ lương hưu

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
22/11/2023 16:00 PM

Xin cho tôi hỏi những văn bản nào quy định trường hợp nghỉ hưu sớm không bị trừ lương hưu? - Quốc Phú (Hải Phòng)

Tổng hợp văn bản quy định trường hợp nghỉ hưu sớm không bị trừ lương hưu

Tổng hợp văn bản quy định trường hợp nghỉ hưu sớm không bị trừ lương hưu (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tổng hợp văn bản quy định trường hợp nghỉ hưu sớm không bị trừ lương hưu

Theo đó, các văn bản quy định trường hợp nghỉ hưu sớm không bị trừ lương hưu bao gồm:

- Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Điều 54);

- Bộ luật Lao động 2019 (Điều 219);

- Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế (Điều 5 và 8);

- Nghị định 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (Điều 3).

2. Mức hưởng lương hưu hàng tháng

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính như sau:

- Lao động nữ nghỉ hưu, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

- Lao động nam nghỉ hưu, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

(Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP)

3. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu

(1) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

- Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

(2) Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

(3) Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại (1).

(Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 810

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]