Cho người khác mượn CCCD bị xử phạt như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
22/11/2023 17:45 PM

Xin cho tôi hỏi cho người khác mượn căn cước công dân bị xử phạt như thế nào? - Bảo Bình (Long An)

Cho người khác mượn CCCD bị xử phạt như thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cho người khác mượn CCCD có được không?

Theo Điều 7 Luật Căn cước công dân 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Cản trở thực hiện các quy định của Luật này.

- Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

- Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; lạm dụng thông tin về công dân theo quy định của Luật này gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.

- Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.

- Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định nêu trên, hành vi mượn, cho mượn căn cước công dân là hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, cho người khác mượn CCCD là hành vi vi phạm pháp luật. 

2. Cho người khác mượn CCCD bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;

- Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

- Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

- Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định nêu trên, người mượn và người cho mượn CCCD có thể bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.

Đồng thời, buộc nộp lại thẻ CCCD và số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính từ việc mượn CCCD. 

Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định này là mức phạt đối với cá nhân Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

3. Trường hợp nào công dân được đổi thẻ CCCD?

- Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

+ Trường hợp công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

+ Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

+ Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

+ Xác định lại giới tính, quê quán;

+ Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

+ Khi công dân có yêu cầu.

- Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

+ Bị mất thẻ Căn cước công dân;

+ Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

(Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,040

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]