Hướng dẫn đóng kinh phí công đoàn qua tài khoản Công đoàn Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
01/12/2023 13:14 PM

Xin cho tôi hỏi việc đóng kinh phí công đoàn qua tài khoản Công đoàn Việt Nam được thực hiện như thế nào? - Huỳnh Lập (Thanh Hóa)

Hướng dẫn đóng kinh phí công đoàn qua tài khoản Công đoàn Việt Nam

Hướng dẫn đóng kinh phí công đoàn qua tài khoản Công đoàn Việt Nam (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hướng dẫn đóng kinh phí công đoàn qua tài khoản Công đoàn Việt Nam

Ngày 07/9/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Công văn 7418/TLĐ-TC về việc hướng dẫn doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn qua tài khoản Công đoàn Việt Nam.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn (KPCĐ) qua tài khoản Công đoàn Việt Nam mở tại Ngân hàng Vietinbank và Agribank chưa thực hiện theo đúng hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, cụ thể mắc một số lỗi như sau: Doanh nghiệp đóng KPCĐ, khi lập UNC nhưng tên tài khoản nhận tiền chưa đúng, nội dung chuyển tiền không rõ ràng, chưa đúng cú pháp chuyển tiền (thiếu hoặc sai mã số thuế của đơn vị nộp tiền, thiếu hoặc sai tên đơn vị nộp tiền) hoặc doanh nghiệp đóng KPCĐ khi CĐCS và công đoàn cáp trên chưa đăng ký thông tin các cấp công đoàn tại ngân hàng… 

Vì vậy, số KPCĐ doanh nghiệp đã nộp về tài khoản Công đoàn Việt Nam không được phân bổ tự động về các cấp công đoàn theo quy định. Số KPCĐ 2% doanh nghiệp đã đóng còn 100% trên tài khoản của Công đoàn Việt Nam (chưa phân bổ được về cho các cấp) hoặc còn 75% trên tài khoản Công đoàn Việt Nam (đã phân bổ được cho 3 cấp trên nhưng chưa phân bổ được cho CĐCS).

Do đó, để các cấp công đoàn nhận được phần KPCĐ theo tỷ lệ quy định, căn cứ vào đề nghị của đơn vị, Ban Tài chính Tổng Liên đoàn đã phải phối hợp với Vietinbank và Agribank thực hiện phân bổ thủ công, ảnh hưởng đến tính kịp thời về nguồn kinh phí hoạt động của các cấp công đoàn.

Để đảm bảo tính kịp thời về nguồn kinh phí cho các cấp hoạt động, đặc biệt là CĐCS, đề nghị các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tiếp tục phối hợp cùng các chi nhánh Vietinabank, Agribank, BIDV tổ chức hướng dẫn các đơn vị cấp dưới thực hiện và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện kê khai thông tin đóng KPCĐ theo đúng Hướng dẫn 1305/HD-TLĐ ngày 15/8/2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc Hướng dẫn thu KPCĐ khu vực SXKD qua tài khoản Công đoàn Việt Nam mở tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Hướng dẫn 09/HD-TLĐ ngày 10/9/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc Hướng dẫn thu KPCĐ khu vực SXKD qua tài khoản Công đoàn Việt Nam mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Hướng dẫn 85/HD-TLĐ ngày 18/4/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc Hướng dẫn thu KPCĐ khu vực SXKD qua tài khoản Công đoàn Việt Nam mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

2. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn

Đối tượng đóng kinh phí công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

- Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

- Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

- Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

(Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP)

3. Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.

(Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,445

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]