Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là gì?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
11/03/2024 11:45 AM

Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là gì? Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ như thế nào? – Phước Thành (Hà Nội)

Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là gì?

Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là gì? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là gì?

- Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

- Di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

(Khoản 1, 2 Điều 4 Luật di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009)

2. Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được quy định như sau:

2.2. Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua các biện pháp sau đây:

- Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể.

- Tổ chức truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn và phục dựng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

- Khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.

- Hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể.

- Đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, ngăn ngừa nguy cơ làm mai một, thất truyền di sản văn hóa phi vật thể.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương và lựa chọn, lập hồ sơ khoa học để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du  lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và cấp Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong trường hợp di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà sau đó có cơ sở xác định không đủ tiêu chuẩn thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

(Điều 17, 18 Luật di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009)

2.3. Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa vật thể

* Di tích:

- Di tích lịch sử - văn hóa phải có một trong các tiêu chí sau đây:

+ Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc của địa phương;

+ Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

+ Địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu;

+ Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật.

- Danh lam thắng cảnh phải có một trong các tiêu chí sau đây:

+ Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu;

+ Khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất.

(Điều 28 Luật di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009)

* Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

- Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Căn cứ giá trị và yêu cầu bảo quản di vật, cổ vật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định giao di vật, cổ vật đó cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị.

- Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của Chính phủ.

(Điều 41 Luật di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009)

* Bảo tàng:

- Hệ thống bảo tàng bao gồm bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập.

- Bảo tàng công lập bao gồm:

+ Bảo tàng quốc gia;

+ Bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương;

+ Bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương;

+ Bảo tàng cấp tỉnh.

(Điều 47 Luật di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 37,195

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]