TPHCM có thể thí điểm gắn chíp quản lý chó mèo: Quy định về quản lý chó mèo hiện nay

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
26/04/2024 14:45 PM

Tôi biết được sắp tới TPHCM có thể thí điểm gắn chíp quản lý chó, mèo: Vậy quy định về quản lý chó mèo hiện nay như thế nào? - Anh Huy (Vĩnh Long)

Quy định về quản lý chó mèo hiện nay (Hình từ internet)

1. Đề xuất thí điểm gắn chíp quản lý chó mèo tại TPHCM

Tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế- xã hội TP.HCM, ngày 25/4/2024, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Chăn nuôi dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT TP.HCM) đã cung cấp thông tin liên quan đến đề xuất gắn chip chó, mèo.

TPHCM hiện có hơn 184.000 con chó, mèo được gần 106.000 hộ gia đình nuôi dưỡng. Trong đó, tỉ lệ vật nuôi ở năm huyện ngoại thành chiếm khoảng 34%, trung bình mỗi hộ nuôi 1,74 con.

Theo đề xuất, người nuôi phải đăng ký số lượng nuôi chó, mèo với UBND cấp xã và kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định. Đồng thời, khuyến khích người nuôi gắn chip trên chó, mèo nhằm quản lý các thông tin liên quan chó, mèo nuôi ở mức độ từng con một (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển…).

Người dân nuôi chó, mèo phải kê khai định kỳ 2 lần/năm, kê khai đột xuất trong thời hạn ba ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Mặt khác, chủ vật nuôi phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.

2. Quy định về quản lý chó mèo hiện nay

Căn cứ Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về quản lý chó mèo như sau:

- Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;

- Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;

- Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;

- Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chó, mèo là những con vật nguy cơ mắc bệnh dại và lây lan bệnh dại cho người. Căn cứ khoản 1 Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, được sửa đổi bởi Thông tư 09/2021/TT-BNNPTNT quy định về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho động vật nuôi như sau:

- Bệnh ở trâu bò: Lở mồm long móng, Nhiệt thán, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục

- Bệnh ở lợn: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn;

- Bệnh ở dê, cừu: Lở mồm long móng, Nhiệt thán;

- Bệnh ở gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn;

- Bệnh ở vịt, ngan: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Dịch tả vịt;

- Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật.

Căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc điểm dịch tễ và sự lưu hành của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, Cục Thú y trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ sung bệnh động vật phải phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin theo quy định tại mục 1.1 của Phụ lục 07 cho phù hợp.

Như vậy, bên cạnh các quy định chung về quản lý chó mèo, Cục thú y quy định chúng là những động vật bắt buộc phải tiêm vắc-xin.

3. Không tiêm phòng cho chó mèo có thể bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây.

- Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

- Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Như vậy, dựa vào quy định trên, không tiêm phòng cho chó, mèo bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Nguyễn Minh Khôi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,310

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]