Lương của lãnh đạo, nhân viên các DNNN là câu chuyện “nóng” tại Hội nghị của Chính phủ triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014-2015 diễn ra ngày 18/2.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho rằng: “Hiện nay, cái gì cũng vận hành theo nguyên tắc thị trường, nhưng riêng tiền lương thì không theo thị trường”.
Ông Hà băn khoăn không biết hiện nay chúng ta đang lấy căn cứ nào để tính tiền lương của Chủ tịch Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước ở mức 36 triệu đồng/tháng. “Tôi chưa bình luận đây là mức lương cao hay thấp nhưng lấy cơ sở đâu để quy định mức 36 triệu? Bởi theo nguyên tắc thị trường, thù lao phải căn cứ vào năng suất, hiệu quả, chất lượng lao động. Như vậy, với cách tính lương hiện nay là chưa phù hợp, chưa sát thực với thực tiễn và chưa tạo thành động lực, còn phải theo khung quy định” – ông Hà nói.
Với mức lương của lãnh đạo các DNNN theo ông Hà là không sống được nhưng cũng phải sống, bởi dù sao còn hơn công chức Nhà nước.
Nhắc lại câu chuyện lương “khủng” ở một số DN công ích tại TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cho rằng, không đưa vào danh sách doanh nghiệp Nhà nước nắm trên 50% vốn những công ty trong lĩnh vực này, như thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị.
Ông Hà cũng nêu những sai phạm, trong đó có sai phạm về tiền lương tại các DN này mà báo chí đã có dịp đề cập.
Cụ thể, tại doanh nghiệp chiếu sáng đô thị, nếu mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng thì lương trung bình của toàn công ty này đã trên 40 triệu đồng/người.
Ngoài ra, tại các công ty như vệ sinh môi trường của thành phố, nhiệm vụ vệ sinh môi trường thì có nhưng tỷ lệ không cao mà chủ yếu là các kinh doanh khác, nếu giữ lại là DNNN thì không cần thiết. Các lĩnh vực này nếu để xã hội hóa, để các doanh nghiệp tư nhân làm có khi hiệu quả hơn và rẻ hơn.
Với DN kinh doanh, ông Hà cho biết thêm là lương chính không lớn nhưng lương kiêm nhiệm cao, sử dụng sai quỹ lương. “Thành phố đang tập trung xử lý kỹ từng trường hợp nhận lương cao tuy rất cương quyết nhưng phải thận trọng” – ông Hà nói.
Ông Hà cũng thừa nhận, trong công tác rà soát, xử lý những sai phạm về chi trả lương cũng không dễ cho các ủy ban, sở ngành. Vì nhiều khi các ủy ban sở ngành, cơ quan cũng nói rằng tại sao TP quyết liệt thế trong khi các nơi khác không làm vậy. Làm mạnh thì anh em mình thiệt, TP mang tiếng.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp này, liên quan đến vấn đề lương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải chủ trì việc rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh chuyện lương không theo thị trường. “Nhưng giờ lương cao quá mức cũng không được, như chuyện ở TPHCM. Các DN cứ tuyển dụng nhân viên, lao động hợp đồng ồ ạt đến khi cần giải quyết phải nhờ trên hỗ trợ. Có chỗ các đồng chí vung quá trời đến lúc sắp xếp lại không có tiền, lương chế độ chính sách” – Thủ tướng nói.
Lương bình quân tăng 18,6%, năng suất lao động tăng 17,5%
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), qua tổng hợp số liệu công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty hạng đặc biệt, trong giai đoạn 2008-2012, tiền lương bình quân của người lao động tăng bình quân 18,6%/năm (đạt mức 5,56 triệu đồng/tháng), cao hơn so với DN dân doanh, DN FDI.
Tiền lương của viên chức quản lý DNNN đạt bình quân 25 triệu đồng/tháng. Riêng công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty hạng đặc biệt lương quản lý khoảng 35-40 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, viên chức quản lý còn được hưởng thêm các khoản tiền thưởng, thù lao đại diện vốn, phụ cấp khác. Tổng thu nhập bình quân khoảng 42-45 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, năng suất lao động bình quân (tính theo doanh thu) chỉ tăng 17,5%/năm và lợi nhuận tăng 3,1%/năm.
Ngoài ra, chênh lệch về tiền lương, tiền thưởng của viên chức quản lý giữa các doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp có lợi thế) cao gấp 2-3 lần doanh nghiệp khác. Thu nhập một số viên chức quản lý đại diện vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp quá cao, mất cân đối chung.
Bộ LĐTB-XH cũng chỉ ra rằng, việc phân phối tiền lương vẫn còn bình quân, chưa theo vị trí công việc. Một số công ty phân phối có sự chênh lệch lớn giữa khối văn phòng và đơn vị thành viên, dùng quỹ lương, tiền thưởng của người lao động để trả thêm cho viên chức quản lý, dẫn đến tiền lương của viên chức quản lý quá cao so với quy định; tuyển dụng dư thừa dẫn đến dôi dư, Nhà nước phải giải quyết.
Từ năm 2013, các quy định pháp luật đã có những thay đổi. Trong đó yêu cầu, đối với viên chức quản lý, tiền lương gắn với hiệu quả, có khống chế tối đa, trong đó Nhà nước quy định mức lương cơ bản, gắn với quy mô doanh nghiệp (cao nhất là Chủ tịch Tập đoàn kinh tế 36 triệu đồng/tháng).
Trường hợp doanh nghiệp có hiệu quả cao thì viên chức quản lý được tăng thêm tiền lương tối đa 0,5 lần mức lương cơ bản, hiệu quả thấp thì hưởng thấp hơn mức lương cơ bản. Thù lao đối với viên chức quản lý đại diện vốn góp ở nhiều công ty bị khống chế không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế đang hưởng.
Ngoài ra, cũng quy định rõ nguồn tiền thưởng của người lao động và viên chức quản lý, trong đó, viên chức quản lý chỉ được hưởng tiền thưởng từ quỹ thưởng ban quản lý điều hành (tối đa 1,5 tháng tiền lương thực hiện của viên chức quản lý) nhằm khắc phục tình trạng DN sử dụng quỹ khen thưởng chung để thưởng lớn cho viên chức quản lý.
Vũ Hạnh
Theo VOV online