Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
09/07/2024 13:00 PM

Bài viết cung cấp nội dung chi tiết về nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố

Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố (Hình từ internet)

Chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là gì?

Căn cứ khoản 6 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 chức danh (bao gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) được hưởng phụ cấp hàng tháng. Trường hợp Luật có quy định khác thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Khuyến khích việc kiêm nhiệm chức danh Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố.

Như vậy, có thể thấy chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố

(1) Nhiệm vụ:

- Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi thôn, tổ dân phố đã được nhân dân bàn và quyết định; bảo đảm các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2012/TT-BNV;

- Vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố. Báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố;

-Thực hiện việc lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết những công việc thuộc phạm vi cấp xã; báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức này phát động;

- Sáu tháng đầu năm và cuối năm phải báo cáo kết quả công tác trước hội nghị thôn, tổ dân phố.

(2) Quyền hạn

- Được ký hợp đồng về xây dựng công trình do nhân dân trong thôn, tổ dân phố đóng góp kinh phí đầu tư đã được hội nghị thôn, tổ dân phố thông qua và bảo đảm các quy định liên quan của chính quyền các cấp;

- Được phân công nhiệm vụ giải quyết công việc cho Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố; được chính quyền cấp xã mời họp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của thôn, tổ dân phố; được bồi dưỡng, tập huấn về công tác tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.

(Điều 10 Thông tư 04/2012/TT-BNV, sửa đổi tại Thông tư 14/2018/TT-BNV)

Tiêu chuẩn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố

Cụ thể tại Điều 11 Thông tư 04/2012/TT-BNV quy định về tiêu chuẩn của Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố như sau:

- Phải là người thường trú và cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố;

- Đủ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác;

- Có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm; bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;

- Có kiến thức văn hóa, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng dân cư và công việc cấp trên giao.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,527

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]