Cách tính chi phí bồi hoàn nếu du học sinh không chấp hành sự điều động của Nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/07/2024 18:45 PM

Cách tính chi phí bồi hoàn nếu du học sinh học bổng ngân sách nhà nước không làm việc theo sự điều động của Nhà nước được quy định tại Nghị định 143/2013/NĐ-CP.

Cách tính chi phí bồi hoàn nếu du học sinh không chấp hành sự điều động của Nhà nước

Cách tính chi phí bồi hoàn nếu du học sinh không chấp hành sự điều động của Nhà nước (Hình từ Internet)

Cách tính chi phí bồi hoàn nếu du học sinh không chấp hành sự điều động của Nhà nước

(1) Nghĩa vụ làm việc có thời hạn theo sự điều động của Nhà nước của du học sinh

Theo Điều 63 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018), du học sinh có nghĩa vụ làm việc như sau:

- Người học chương trình giáo dục đại học nếu được hưởng học bổng và chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thì sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước trong thời gian ít nhất là gấp đôi thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo, nếu không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

- Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phân công làm việc đối với người học đã được công nhận tốt nghiệp, quá thời hạn trên, nếu người học không được phân công làm việc thì không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

(2)  Trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo

Người được đào tạo trình độ, cao đẳng, thạc sĩ, tiến sĩ từ nguồn ngân sách nhà nước, nước ngoài tài trợ phải bồi hoàn chi phí đào tạo nếu thuộc một trong hai trường hợp sau, quy định tại Điều 3 Nghị định 143/2013/NĐ-CP:

- Trường hợp 1: Không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp. Trường hợp sau khi tốt nghiệp, nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục học tập, thì thời hạn 12 tháng tính từ ngày được công nhận tốt nghiệp khóa học tiếp theo.

- Trường hợp 2: Chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định mà tự ý bỏ việc.

Người học và gia đình người học ở Việt Nam (gồm: bố, mẹ đẻ hoặc chồng, vợ hoặc người đại diện hợp pháp khác của người học) có cam kết việc bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước theo các quy định tại Nghị định 143/2013/NĐ-CP. Trong trường hợp người học không trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp để chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì gia đình người học ở Việt Nam có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo.

(3) Chi phí bồi hoàn

- Chi phí bồi hoàn bao gồm: Học phí, học bổng và các khoản chi phí khác phục vụ cho khóa học đã được ngân sách nhà nước cấp.

- Chi phí đào tạo được cấp bao gồm: Học phí, học bổng, sinh hoạt phí và các khoản chi phí khác đã được ngân sách nhà nước cấp cho người học theo chế độ quy định.

(4) Cách tính chi phí bồi hoàn:

- Đối với trường hợp 1: người học phải bồi hoàn 100% chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước.

- Đối với trường hợp 2: chi phí bồi hoàn được tính theo công thức sau:

S = (F / T1) x (T1 - T2)

Trong đó:

- S là chi phí bồi hoàn;

- F là chi phí đào tạo được cấp;

- T1 là thời gian làm việc theo sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tính bằng số tháng làm tròn;

- T2 là thời gian đã làm việc sau khi được điều động được tính bằng số tháng làm tròn. Thời gian làm việc chỉ được tính tròn tháng nếu số ngày làm việc trong tháng từ 15 ngày trở lên.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi đào tạo đại học trong thời gian 48 tháng, chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước là 60 triệu đồng. Thời gian phải chấp hành sự điều động làm việc sau khi hoàn thành khóa học của anh A là 96 tháng. Sau khi tốt nghiệp, anh A đã chấp hành sự điều động làm việc được 47 tháng 16 ngày, sau đó anh A tự ý bỏ việc. Theo nguyên tắc làm tròn tháng, thời gian anh A đã chấp hành sự điều động làm việc được làm tròn thành 48 tháng. Chi phí mà anh A phải bồi hoàn là:

 S = (60000000đ / 96 tháng) x (96 tháng – 48 tháng) = 30.000.000 đ

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,108

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]