Chỉ đạo mới của Chính phủ về cải cách tiền lương sau khi được Quốc hội thông qua

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
13/11/2023 23:35 PM

Chính phủ vừa có chỉ đạo gì về cải cách tiền lương sau khi Quốc hội chốt cải cách tiền lương từ 01/7/2024?

Chỉ đạo mới của Chính phủ về cải cách tiền lương

Chỉ đạo mới của Chính phủ về cải cách tiền lương (Hình từ internet)

Quốc hội chốt cải cách tiền lương từ 01/7/2024

Quốc hội quyết nghị từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở; bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước. (Xem thêm tại đây)

Chỉ đạo mới nhất của Chính phủ về cải cách tiền lương sau khi được Quốc hội thông qua

Ngày 07/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 185/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2023.

Trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thể chế hóa các quy định của Đảng, Quốc hội về chính sách cải cách tiền lương, bảo đảm khả thi, chất lượng và đúng tiến độ.

Như vậy, sau khi được Trung ương, Quốc hội thông qua, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ hoàn thiện, thể chế hóa quy định về cải cách tiền lương.

Bộ Nội vụ sẽ trình ban hành Nghị định cải cách tiền lương

Bộ Nội vụ cho biết năm 2024, sau khi cấp có thẩm quyền thông qua lộ trình cải cách chính sách tiền lương và các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Bộ Nội vụ phối hợp với Ban công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề xuất tiền lương giáo viên cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Khi thực hiện các chính sách tiền lương, lương nhà giáo sẽ được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.

Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp, dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.

Nghị quyết 27 nêu có 6 vấn đề mới trong cải cách chính sách tiền lương: xây dựng hệ thống bảng lương theo vị trí việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo; quy định mức lương thấp nhất của khu vực công và mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương; cơ cấu lại giữa lương cơ bản 70%, phụ cấp 30% và thêm 10% nữa để thực hiện việc thưởng,…

Được biết theo Nghị quyết 27, tại thời điểm thực hiện cải cách tiền lương (01/7/2024), tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,574

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]