1. Tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô đối với cán bộ, lãnh đạo
Nghị định 04/2019/NĐ-CP về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, có hiệu lực từ ngày 25/02/2019.
Theo đó, chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá bao gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Chức danh được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác gồm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội,...
Căn cứ tình hình thực tế tại thời điểm trang bị xe ô tô, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủng loại, giá mua xe ô tô trang bị cho các chức danh này.
Ngoài ra, các chức danh như: Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,... được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô với giá tối đa 1.100 triệu đồng/xe trong thời gian công tác.
2. Phóng viên hoạt động báo chí về Bộ Quốc phòng phải xuất trình giấy tờ
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 03/2019/TT-BQP về công tác quản lý báo chí trong Bộ Quốc phòng.
Theo đó, phóng viên trong nước có nhu cầu hoạt động thông tin, báo chí liên quan đến cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phải xuất trình thẻ nhà báo (nếu có), chứng minh thư hoặc thẻ CCCD và một trong các giấy tờ:
- Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí;
- Giấy giới thiệu của cơ quan chính trị có thẩm quyền;
- Giấy mời của đơn vị.
Giấy giới thiệu phải ghi rõ: Họ tên (bút danh), chức danh, chức vụ; nội dung làm việc, tên cơ quan, đơn vị, cá nhân cần tiếp xúc, thời gian đến công tác.
Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí phải do Tổng Biên tập (Giám đốc), Phó Tổng Biên tập (Phó Giám đốc) ký, đóng dấu của cơ quan.
Như vậy, so với quy định hiện hành, quy định mới đã bổ sung yêu cầu xuất trình thẻ nhà báo đối với phóng viên trong nước khi thực hiện hoạt động thông tin, báo chí liên quan đến Bộ Quốc phòng.
Thông tư 03/2019/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 26/02/2019 và thay thế Thông tư 164/2014/TT-BQP ngày 17/11/2014.
3. Hướng dẫn mới về cửa khẩu nhập khẩu phế liệu
Ngày 09/01/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 01/2019/TT-BCT quy định về cửa khẩu nhập khẩu phế liệu.
Cụ thể, việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất được thực hiện qua các cửa khẩu theo quy định, trừ cửa khẩu đường bộ và cửa khẩu đường sắt.
Theo đó, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất thuộc Danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Nội dung này không áp dụng đối với hoạt động tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh phế liệu.
Thông tư 01/2019/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 22/02/2019.
4. Ban hành Danh mục nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến
Thông tư 02/2019/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 9 Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, ban hành danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến để xem xét xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.
Danh mục bao gồm các nhà tù của 58 tỉnh thành và mặt trận chiến trường miền Nam Việt Nam, đơn cử như:
- Thành phố Hà Nội: Nhà tù Nhà Tiền; nhà tù Hỏa Lò; nhà tù Nhà Rượu; nhà tù Thanh Liệt; …
- Thành phố Hồ Chí Minh: Bót Catina; nha cảnh sát đô thành đường Trần Hưng Đạo; Bót Phú Lâm; Bót Hàng Keo Gia Định;…
- Thành phố Đà Nẵng: Nhà lao Con Gà; nhà lao Đà Nẵng; nhà lao Kho Đạn; nhà lao Hòa Vang;…
Xem chi tiết danh mục tại Thông tư 02/2019/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 21/02/2019.