1. Người dưới 18 tuổi uống rượu, bia có thể bị phạt đến 500.000 đồng
Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành ngày 28/9/2020.
Theo đó, quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia như sau:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;
+ Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
+ Ép buộc người khác uống rượu bia.
Lưu ý: Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm.
2. Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng
Đây là nội dung tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Theo đó, mức hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt được quy định như sau:
- Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;
- Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ.
Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.
Nghị định 116/2020/NĐ-CP áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022.
3. Sửa quy định về tiêu chí thành lập Vụ thuộc Bộ
Nghị định 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo đó, tiêu chí thành lập Vụ thuộc Bộ được quy định như sau:
- Vụ được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
+ Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ;
+ Có phạm vi, đối tượng quản lý theo ngành, lĩnh vực;
+ Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 15 biên chế công chức trở lên.
- Vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu về công tác quản trị nội bộ được thành lập khi khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 15 biên chế công chức trở lên.
Ngoài ra, trường hợp vụ có nhiều mảng công tác và khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 30 biên chế công chức trở lên được cấp có thẩm quyền giao thì có thể thành lập phòng.
Số lượng phòng trong vụ thuộc bộ (nếu có) phải được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ.
4. Quy định về điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp
Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp khi:
- Đơn vị sự nghiệp công lập có sự thay đổi một trong các căn cứ sau:
+ Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.