5. Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020
Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2020.
Theo đó, quy định về điều kiện để trở thành đại biểu Quốc hội như sau:
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (quy định mới bổ sung);
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội;
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm;
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
6. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 18/6/2020.
Theo đó, bổ sung 02 loại văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Lưu ý: Không ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Ngoài ra, theo quy định mới này sẽ không còn:
- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
7. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 18/6/2020, theo đó chỉ còn 05 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, cụ thể:
(1) Giao thông vận tải;
(2) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;
(3) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;
(4) Y tế; giáo dục - đào tạo;
(5) Hạ tầng công nghệ thông tin.
(Hiện hành, Khoản 1 Điều 4 nghị định 63/2018/NĐ-CP còn quy định một số lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích đầu tư theo phương thức PPP khác như: Hệ thống chiếu sáng công cộng, trụ sở cơ quan nhà nước…)
8. Luật xây dựng sửa đổi 2020
Luật xây dựng sửa đổi năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020.
Theo đó, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian:
- 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời (Hiện hành là 30 ngày);
- 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.
Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn nêu trên.