1. Điểm mới của thẻ BHYT mẫu mới từ 01/4/2021
Kể từ ngày 01/4/2021, mẫu thẻ BHYT mới sẽ được đưa vào sử dụng theo quy định tại Quyết định 1666/QĐ-BHXH ngày 03/12/2020.
Theo đó, so với mẫu thẻ cũ thì mẫu mới có một số điểm khác biệt như:
- Bỏ nội dung “địa chỉ” trên phôi thẻ
Phôi thẻ BHYT được áp dụng từ ngày 01/4/2021 đã bỏ nội dung về địa chỉ nơi cư trú của người có tên trên thẻ BHYT so với quy định tại Quyết định 1313/QĐ-BHXH ngày 02/12/2014.
Thông tin về địa chỉ (nơi cư trú hoặc nơi làm việc) sẽ được cập nhật trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT và Cổng thông tin BHXH Việt Nam.
- Không còn ghi tên cha (mẹ) trên thẻ BHYT của trẻ dưới 6 tuổi
- Thẻ được ép plastic sau khi in.
- Phần mã số: chỉ in in 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia BHYT (mẫu hiện hành mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 04 ô).
- Bổ sung một số thông tin vào mặt sau của thẻ như:
+ Sử dụng mã số BHXH và đăng ký giao dịch tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn để tiếp tục tham gia BHYT, cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, kiểm tra chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT được hưởng.
+ Để biết thông tin thẻ BHYT, truy cập địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn hoặc nhắn tin theo cú pháp: BH THE {mã số BHXH} gửi 8079.
Lưu ý: Phôi thẻ cũ đã in mà chưa sử dụng hết tiếp tục được sử dụng để cấp cho người tham gia BHYT.
2. Thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động dịch vụ kế toán
Ngày 25/01/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán.
Theo đó, thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ được quy định như sau:
- 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán mà trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra có:
+ Doanh thu dịch vụ kế toán từng năm trên báo cáo tài chính từ 20 tỷ đồng trở lên.
+ Mỗi năm có từ 100 khách hàng dịch vụ kế toán trở lên.
- Ít nhất 5 năm/lần đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không thuộc đối tượng nêu trên.
(Hiện nay, Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 32/2007/QĐ-BTC quy định: “Các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán phải được kiểm tra chất lượng định kỳ 3 năm một lần”).
3. Thời gian làm việc của hệ thống thanh toán liên ngân hàng
NHNN ban hành Thông tư 21/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 37/2016/TT-NHNN về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia (Hệ thống TTLNH).
Theo đó, các thời điểm áp dụng trong Hệ thống TTLNH được quy định như sau:
- Thời điểm Hệ thống TTLNH bắt đầu nhận Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán giá trị thấp và kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 8 giờ 00 phút của ngày làm việc;
- Thời điểm Hệ thống TTLNH bắt đầu nhận Lệnh thanh toán ngoại tệ: 9 giờ 00 phút của ngày làm việc;
- Thời điểm ngừng nhận Lệnh thanh toán giá trị thấp, thời điểm ngừng nhận yêu cầu xử lý kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 16 giờ 30 phút đối với ngày làm việc bình thường, 17 giờ 00 phút đối với 02 ngày làm việc cuối tháng;
- Thời điểm ngừng nhận Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán bằng ngoại tệ: 17 giờ 00 phút đối với ngày làm việc bình thường, 17 giờ 45 phút đối với 02 ngày làm việc cuối tháng;
- Thời điểm hoàn thành thực hiện xử lý các Lệnh thanh toán đã nhận trong hàng đợi quyết toán (nếu có): tối đa 30 phút kể từ thời điểm Hệ thống TTLNH ngừng nhận Lệnh thanh toán;
- Thời điểm thực hiện các công việc cuối ngày (kiểm tra các điều kiện đối chiếu, thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu với Trung tâm Xử lý Quốc gia): ngay sau thời điểm hoàn thành thực hiện xử lý các Lệnh thanh toán đã nhận trong hàng đợi quyết toán.