1. TCTD phi ngân hàng có thể mở tối đa 3 chi nhánh/01 năm tài chính
Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 53/2018/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Quy định này mang tính định lượng hơn thay vì đưa ra công thức về số chi nhánh có thể mở của một tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng tại Quyết định 01/2008/QĐ-NHNN ngày 09/01/2008.
Cụ thể, kể từ ngày Thông tư 53 có hiệu lực (ngày 01/3/2019) thì:
TCTD phi ngân hàng có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên (tính từ ngày khai trương đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá 03 chi nhánh trong 01 năm tài chính nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 7 Thông tư 53.
2. Tiêu chí, nhóm chỉ tiêu xếp hạng các TCTD
Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định tiêu chí, nhóm chỉ tiêu xếp hạng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
- Vốn gồm 02 nhóm với 06 chỉ tiêu;
- Chất lượng tài sản gồm 2 nhóm với 15 chỉ tiêu;
- Quản trị điều hành gồm 02 nhóm với 08 chỉ tiêu;
- Kết quả hoạt động kinh doanh gồm 02 nhóm với 05 chỉ tiêu;
- Khả năng thanh khoản gồm 02 nhóm với 06 chỉ tiêu;
- Mức độ nhạy cảm đổi với rủi ro thị trường gồm 2 nhóm với 04 chỉ tiêu.
Xem chi tiết tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/4/2019 và bắt đầu áp dụng để xếp hạng từ năm 2019.
3. Hồ sơ đề nghị đổi tên của ngân hàng thương mại
Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 50/2018/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 31/12/2018.
Theo đó, hồ sơ đề nghị đổi tên của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định bao gồm:
- Văn bản đề nghị, trong đó tối thiểu bao gồm các nội dung sau:
+ Tên hiện tại;
+ Tên dự kiến thay đổi đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan về đặt tên;
+ Lý do thay đổi tên.
- Nghị quyết hoặc quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với ngân hàng thương mại cổ phần;
- Nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng thành viên đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Quyết định của chủ sở hữu đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên thông qua việc thay đổi tên của ngân hàng thương mại;
- Văn bản của ngân hàng mẹ thông qua việc thay đổi tên chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Thông tư 50/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/02/2019.
4. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận góp vốn của TCTD
Thông tư 51/2018/TT-NHNN quy định về nguyên tắc lập hồ sơ đề nghị chấp góp vốn của TCTD là ngân hàng thương mại và công ty tài chính như sau:
- Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt; Trường hợp văn bản do nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự) và dịch ra tiếng Việt;
- Các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký của người dịch;
- Các hồ sơ được nộp phải là bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu;
Trong trường hợp TCTD nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu phải ký và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính;
- Văn bản của TCTD đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền ký.
Trường hợp ký theo ủy quyền, hồ sơ phải có văn bản ủy quyền được lập phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tư 51/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/3/2019.