1. Tàu bay dùng để quay phim, chụp ảnh sẽ không chịu thuế TTĐB
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 14/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Theo đó, tàu bay sử dụng cho các mục đích sau sẽ không phải chịu thuế TTĐB:
- Vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch;
- An ninh, quốc phòng;
- Phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ (đây là 05 mục đích sử dụng được bổ sung thêm so với quy định hiện hành).
Nếu không thuộc vào các trường hợp trên thì tàu bay phải chịu thuế TTĐB theo quy định.
Nghị định 14/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/3/2019.
2. Quy định về điều kiện cấp GCN doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Nội dung này được quy định tại Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN).
Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN thì doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
(2) Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 13;
(3) Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Đối với doanh nghiệp mới thành lập dưới 05 năm đáp ứng được các điều kiện (1) và (2) nêu trên sẽ được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/3/2019.
3. 04 điều kiện để cấp GCN đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của NHNN Việt Nam.
Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải đáp ứng 04 điều kiện sau:
- Có lãi trong 03 năm liên tục liền trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán và không có ý kiến ngoại trừ trọng yếu theo quy định;
(Điều kiện về có lãi đã giảm còn 03 năm so với quy định hiện tại là 05 năm);
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không còn nợ thuế;
- Có quy trình nội bộ, cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nhận dạng và quản trị rủi ro liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
- Tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành về vốn, chỉ tiêu an toàn tài chính, giới hạn đầu tư của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Quy định mới đã bỏ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự; về quản lý và sử dụng vốn nhà nước (đối với tổ chức kinh tế có vốn nhà nước) trong điều kiện cấp Giấy chứng nhận.
Nghị định 16/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/3/2019.
4. Thời hạn công nhận DN ưu tiên về thủ tục hải quan tối đa 60 ngày
Nội dung này được nêu tại Thông tư 07/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 72/2015/TT-BTC về chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.
Theo đó, thời hạn để thẩm định, kết luận về việc công nhận doanh nghiệp ưu tiên là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Đối với trường hợp phức tạp, thì thời gian thẩm định có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
Cơ quan thực hiện việc thẩm định, công nhận là Tổng cục Hải quan (quy định hiện hành là Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Thông tư 07/2019/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 28/01/2019) cũng đã bổ sung thêm quy định về việc gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp ưu tiên.