1. Hướng dẫn thí điểm KCB bằng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT
Đây là nội dung tại Công văn 931/BYT-BH hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp.
Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm KCB bằng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT như sau:
- Cơ sở KCB thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).
- Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp:
+ Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở KCB thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành;
Đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi KCB BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID;
+ Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT: Giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được; thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).
- Đối với người bệnh chưa được cấp CCCD có gắn chíp: Thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Công văn 931/BYT-BH được ban hành ngày 28/02/2022.
2. Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành
Ngày 24/02/2022, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 206/QĐ-BTC về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, từ tháng 4/2022 sẽ triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Danh sách các tỉnh, thành được liệt kê cụ thể tại phần phụ lục.
Nhiệm vụ của Cục Thuế 57 tỉnh, thành khi áp dụng hóa đơn điện tử bao gồm:
- Tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế quy định về hóa đơn điện tử tại Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC để đảm bảo triển khai thực hiện hóa đơn điện tử có kết quả;
- Rà soát và thông báo đến các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử trên địa bàn về việc triển khai hóa đơn điện tử để các tổ chức chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho khách hàng theo quy định của pháp luật;
- Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các báo đài, tổ chức truyền thông tại địa phương để tuyên truyền kịp thời lợi ích của việc thực hiện hóa đơn điện tử và những nội dung mới của hóa đơn điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC,...
/>
Quyết định 206/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày 24/02/2022.
3. Căn cứ xác định mức thu lệ phí trước bạ với ô tô
Ngày 28/02/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 13/2022/TT-BTC hướng dẫn lệ phí trước bạ.
Theo đó, căn cứ xác định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bao gồm:
- Số chỗ ngồi trên xe ôtô được xác định theo thiết kế của nhà sản xuất.
- Khối lượng chuyên chở được xác định theo điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 13/2022/TT-BTC .
- Loại xe được xác định như sau:
+ Đối với xe nhập khẩu: Căn cứ vào xác định của đơn vị đăng kiểm ghi tại mục “Loại phương tiện” của giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận kiểm định do đơn vị đăng kiểm Việt Nam cấp;
+ Đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước: Căn cứ vào mục “Loại phương tiện” ghi tại giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô sản xuất, lắp ráp hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng dùng cho xe cơ giới hoặc giấy chứng nhận kiểm định.
Trường hợp tại mục “Loại phương tiện” (loại xe) của các giấy tờ nêu trên không xác định là xe ô tô tải thì áp dụng mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người.
Thông tư 13/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/3/2022.
4. 11 dấu hiệu cần đưa trẻ dưới 5 tuổi nhiễm Covid-19 đến ngay cơ sở y tế
Đây là nội dung được đề cập tại tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19” được ban hành kèm theo Quyết định 528/QĐ-BYT ngày 03/3/2022.
Theo đó, người chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi nhiễm Covid-19 cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có 11 dấu hiệu sau:
- Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật
- Sốt cao liên tục >39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h
- Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:
+ Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút;
+ Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút;
+ Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
- Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn…
- Dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít…
- Tím tái
- SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
- Nôn mọi thứ
- Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
- Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng…
- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
Quyết định 528/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 03/3/2022.