1. Buộc tiêu hủy, tái chế sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng
Chính phủ ban hành Nghị định 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 sửa đổi Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi . Trong đó bổ sung 05 biện pháp xử lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng như sau:
- Buộc tái xuất: Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục tái xuất theo quy định pháp luật về hải quan, các quy định khác có liên quan;
Phải nộp hồ sơ tái xuất về cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;
- Buộc tiêu hủy: Tổ chức, cá nhân phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm.
- Buộc tái chế: Tổ chức, các nhân phải thực hiện tái chế sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định pháp luật;
Phải báo cáo phương án, kết quả tái chế cho cơ quan kiểm tra nhà nước để giám sát khi cần thiết;
- Buộc chuyển mục đích sử dụng: Tổ chức, cá nhân phải chuyển đổi MĐSD sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định pháp luật;
Phải báo cáo phương án, kết quả chuyển đổi MĐSD cho cơ quan kiểm tra nhà nước để giám sát khi cần thiết;
- Buộc cải chính thông tin: Tổ chức, cá nhân phải thực hiện cải chính thông tin sản phẩm theo kết quả kiểm tra thực tế trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường hoặc trước khi sử dụng.
Nghị định 46/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Bộ Tài chính công bố 06 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 2
Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1366/QĐ-BTC ngày 06/7/2022 công bố 6 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 2.
Cụ thể, Bộ Tài chính phê duyệt 6 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 2 nêu tại các phụ lục kèm theo Quyết định 1366/QĐ-BTC , bao gồm:
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 05 “Chi phí đi vay” (Phụ lục số 01);
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 09 “Doanh thu từ các giao dịch trao đổi” (Phụ lục số 02);
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 11 “Hợp đồng xây dựng” (Phụ lục số 03);
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 14 “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm” (Phụ lục số 04);
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 23 “Doanh thu từ các giao dịch không trao đổi” (Phụ lục số 05);
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 24 “Trình bày thông tin ngân sách trong báo cáo tài chính” (Phụ lục số 06).
Theo quy định tại Quyết định 1676/QĐ-BTC ngày 01/9/2021 trước đây, Bộ Tài chính cũng đã công bố 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1, gồm:
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01 “Trình bày báo cáo tài chính”;
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 02 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”;
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 “Hàng tồn kho”;
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 17 “Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị”;
- Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 31 “Tài sản vô hình”.
Quyết định 1366/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
3. Đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ máy tính bảng
Đây là nội dung tại Thông tư 09/2022/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện hỗ trợ máy tính bảng và dịch vụ viễn thông công ích để sử dụng máy tính bảng thuộc Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành.
Cụ thể, Điều 6 Thông tư 09/2022/TT-BTTTT quy định đối tượng hỗ trợ máy tính bảng là hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng các điều kiện sau:
- Có thành viên của hộ gia đình là học sinh phổ thông;
- Có nhu cầu nhận hỗ trợ máy tính bảng thuộc Chương trình;
- Chưa được nhận hỗ trợ máy tính (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng) phục vụ học tập của học sinh từ các nguồn khác thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Trong phạm vi số lượng máy tính bảng của Chương trình phân bổ cho các địa phương theo quy định tại Điều 7 Thông tư 09/2022/TT-BTTTT , đối tượng được nhận máy tính bảng được xác định theo quy định tại Điều 8 Thông tư 09/2022/TT-BTTTT dựa trên các tiêu chí ưu tiên sau:
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách người có công với cách mạng;
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách xã hội;
- Hộ nghèo;
- Hộ cận nghèo.
Thông tư 09/2022/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 30/6/2022.
4. Yêu cầu sửa Luật Doanh nghiệp liên quan phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Chính phủ thông qua Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, đánh giá, sửa đổi Luật Doanh nghiệp liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, cổ phiếu riêng lẻ.
Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài chính thực thực hiện một số nhiệm vụ nhằm phát triển thị trường vốn, đơn cử như sau:
- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp để trình Chính phủ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020/NĐ-CP .
- Rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định bất cập liên quan đến minh bạch thông tin của doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, tăng cường xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư.
- Khẩn trương rà soát trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp góp phần lành mạnh, minh bạch hóa thị trường.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022.