1. Hướng dẫn thời điểm lập hóa đơn để hưởng chính sách giảm thuế GTGT
Bộ Tài chính vừa có Công văn 2688/BTC-TCT về thuế GTGT tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022.
Theo đó, Bộ Tài chính hướng dẫn thời điểm lập hóa đơn (HĐ) đối với cơ sở kinh doanh để được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT đơn cử như sau:
- Trường hợp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, đã lập HĐ tại thời điểm thu tiền trước ngày 01/02/2022 với thuế suất 10% nhưng dịch vụ hoàn thành trong thời gian từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 thì:
+ Đối với phần tiền đã lập HĐ trước ngày 01/02/2022 không thuộc trường hợp được áp dụng chính sách giảm thuế;
+ Đối với phần tiền còn lại chưa thanh toán, được lập HĐ từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo quy định thì được áp dụng chính sách giảm thuế.
- Trường hợp cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc mức thuế suất 10% trong tháng 01/2022 nhưng đến tháng 02/2022 mới lập HĐ thì thuộc trường hợp lập HĐ không đúng thời điểm và không thuộc đối tượng được giảm thuế.
Xem nội dung chi tiết tại Công văn 2688/BTC-TCT ngày 23/3/2022.
2. Hướng dẫn tiêm liều nhắc lại với người đã tiêm vắc xin Pfizer/Moderna
Ngày 25/3/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn 1506/BYT-DP về tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Theo đó, người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin mRNA (do Pfizer hoặc Moderna sản xuất) có thể tiêm liều nhắc lại bằng vắc xin do Astrazeneca sản xuất, thời gian tiêm tối thiểu là 03 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Tiếp tục thực hiện các nội dung khác theo chỉ đạo tại Công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 và Công văn 508/BYT-DP ngày 28/01/2022 của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
3. Sửa quy định về cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
Nghị định 22/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm như sau:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép nhập khẩu phim để phát hành, phổ biến theo quy định trong toàn quốc (quy định hiện hành cấp phép đối với phim điện ảnh, phim truyền hình để phổ biến, phát hành theo quy định trong toàn quốc hoặc trên địa bàn hai địa phương trở lên).
- Bổ sung thẩm quyền cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép nhập khẩu phim để phát hành, phổ biến theo quy định do Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương nhập khẩu.
Ngoài ra, Nghị định 22 cũng quy định cơ quan cấp phép nhập khẩu phim sẽ thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.
4. Tăng mức cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên từ 19/5/2022
Đây là nội dung tại Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hiệu lực từ ngày 19/5/2022.
Theo đó, mức vay vốn đối với học sinh, sinh viên từ ngày 19/5/2022 tối đa là 04 triệu đồng/tháng/người, so với quy định hiện tại là tối đa 2,5 triệu đồng/tháng.
Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên (hiện hành quy định phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học).
Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.
Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đã ký trước ngày 19/5/2022: Ngân hàng Chính sách xã hội, khách hàng và các bên liên quan tiếp tục được thực hiện theo các cam kết, các quyền hạn và trách nhiệm ghi trong hợp đồng đã ký.