1. Tăng mức phạt không đăng ký nghĩa vụ quân sự từ ngày 22/7/2022
Chính phủ ban hành Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 120/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu...
Theo đó, khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP tăng mức phạt không đăng ký nghĩa vụ quân sự tối đa lên đến 10 triệu đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 8 triệu đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP .
- Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định.
- Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định.
- Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định.
- Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi tạm vắng theo quy định.
(Hiện hành, hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định chỉ bị phạt từ 200 nghìn đến 600 nghìn đồng)
Nghị định 37/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.
2. Hỗ trợ tối đa 1.000 đô la Mỹ/người/năm BHYT bắt buộc cho giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, quy định nội dung hỗ trợ bảo hiểm y tế bắt buộc đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ như sau:
- Mức bảo hiểm y tế bắt buộc:
Thực hiện thanh toán theo mức quy định của nước sở tại (căn cứ theo mức thông báo trong giấy tiếp nhận học viên của cơ sở đào tạo) và được cấp bằng đồng đô la Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại; tối đa không vượt quá 1.000 đô la Mỹ/người/năm;
- Trường hợp người học có nguyện vọng mua bảo hiểm y tế ở mức cao hơn mức quy định nêu trên thì phải tự bù phần chênh lệch.
Đồng thời, hỗ trợ học phí đối với giảng viên học tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài như sau:
- Thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ GD&ĐT với cơ sở đào tạo ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại);
- Tối đa không quá 25.000 đô la Mỹ/người học/năm học hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại.
- Trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 đô la Mỹ/người học/năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả hoặc do cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học chi trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
- Trường hợp đặc biệt, thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể, thực hiện thanh toán theo mức học phí quy định của cơ sở đào tạo và trong phạm vi dự toán được giao.
Thông tư 30/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/7/2022.
3. Các nhiệm vụ thực hiện Đề án Bảo đảm ATTT cho đô thị thông minh giai đoạn 2022 - 2025
Đây là nội dung tại Quyết định 1014/QĐ-BTTTT ngày 02/6/2022 phê duyệt Đề án Bảo đảm an toàn thông tin cho đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đặt ra các nhiệm vụ chủ yểu thực hiện Đề án Bảo đảm an toàn thông tin cho đô thị thông minh giai đoạn 2022 - 2025, đơn cử như:
- Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, chính sách để hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức tham gia vào công tác bảo đảm an toàn thông tin cho đô thị thông minh.
- Thuê chuyên gia hoặc cử cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn thông tin trong IOC.
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống giám sát bảo đảm an toàn thông tin cho các IOC đang vận hành.
- Nghiên cứu, xây dựng tài liệu, hướng dẫn thực hành hiệu quả bảo đảm an toàn thông tin cho đô thị thông minh.
- Xây dựng các phương án ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng khi có sự cố mất an toàn thông tin xảy ra đối với IOC đang vận hành…
Xem chi tiết tại Quyết định 1014/QĐ-BTTTT có hiệu lực kể từ ngày ký.
4. Các lưu ý khi thực hiện được linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm trường CĐ, TC
Đây là nội dung tại Công văn 1046/TCGDNN-PCTT ngày 01/6/2022 hướng dẫn linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành.
Trong đó, cơ sở thực hiện linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm theo quy định Nghị định 143/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 24/2022/NĐ-CP ) khi bảo đảm yêu cầu sau:
- Bảo đảm linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm trong phạm vi các ngành, nghề đào tạo được cơ quan có thẩm quyền cấp trong giấy chứng nhận (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp đối với trường cao đẳng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp đối với trường trung cấp,...)
- Đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định 143/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 140/2018/NĐ-CP , Nghị định 15/2019/NĐ-CP , Nghị định 24/2022/NĐ-CP ).
- Quy mô tuyển sinh/năm của các ngành, nghề sau khi linh hoạt không được vượt quá 10% tổng quy mô tuyển sinh/năm của các ngành, nghề trong cùng nhóm ngành, nghề tại từng địa điểm đào tạo được cấp trong giấy chứng nhận.
- Quy mô tuyển sinh/năm của ngành, nghề đã được linh hoạt thì không thực hiện để tiếp tục linh hoạt sang ngành, nghề khác.
- Việc linh hoạt quy mô tuyển sinh/năm giữa các ngành, nghề, trình độ đào tạo được căn cứ vào thời gian đào tạo của từng chương trình đào tạo theo từng trình độ để xác định quy mô tuyển sinh/năm sau khi linh hoạt.
Xem chi tiết tại Công văn 1046/TCGDNN-PCTT ngày 01/6/2022.