1. 02 bước chuyển đổi chuyển đổi tài khoản sang Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới
Ngày 26/7/2022, Bộ KH&ĐT ban hành Công văn 4229/BKHĐT-QLĐT hướng dẫn chuyển đổi tài khoản người dùng sang Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới.
Trong đó, hướng dẫn 02 bước chuyển đổi tài khoản sang Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới như sau:
Bước 1: Cơ quan, đơn vị nhận thông tin chuyển đổi tài khoản từ Hệ thống cũ sang Hệ thống mới
Hệ thống gửi thông tin về việc chuyển đổi tài khoản đến địa chỉ email của người phụ trách bên mời thầu, nhà thầu, cơ sở đào tạo đã đăng ký trên Hệ thống cũ, bao gồm các nội dung:
- Số định danh của cơ quan, đơn vị trên Hệ thống mới;
- Danh sách các tài khoản với vai trò là bên mời thầu, nhà thầu, cơ sở đào tạo của cơ quan, đơn vị trên Hệ thống cũ được chuyển đổi sang Hệ thống mới.
- Tên truy cập và mật khẩu đăng nhập trên Hệ thống mới.
Trường hợp danh sách tài khoản chuyển đổi không chính xác hoặc cần cập nhật địa chỉ email để nhận thông tin chuyển đổi tài khoản, đề nghị gửi bản scan văn bản (có đầy đủ chữ ký và dấu) theo biểu mẫu tại Phụ lục Công văn 4229/BKHĐT-QLĐT và gửi về địa chỉ email: [email protected].
Trong vòng 02 ngày làm việc, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia sẽ cập nhật và gửi thông tin chuyển đổi tài khoản đến địa chỉ email trong văn bản của cơ quan, đơn vị.
Bước 2: Xác nhận, cập nhật thông tin
Cơ quan, đơn vị sử dụng tài khoản được cấp đăng nhập vào Hệ thống mới để kiểm tra, xác nhận thông tin chuyển đổi tài khoản theo Hướng dẫn sử dụng trên Hệ thống.
Các thông tin bao gồm:
- Thông tin chung về tài khoản;
- Thông tin về đấu thầu đối với các tài khoản có vai trò là bên mời thầu;
- Thông tin hồ sơ năng lực đối với các tài khoản có vai trò là nhà thầu; thông tin về danh sách học viên đối với các tài khoản có vai trò là cơ sở đào tạo.
Thời gian chuyển đổi tài khoản bắt đầu từ ngày: 01/7/2022.
Xem chi tiết tại Công văn 4229/BKHĐT-QLĐT ngày 27/6/2022.
2. Cách nhận diện “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp về hình thức, nội dung
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 về Tiêu chí nhận diện "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí.
Trong đó, hướng dẫn cách nhận diện “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp về hình thức, nội dung như sau:
- Về hình thức: Trình bày thể hiện gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí.
+ Tên miền sử dụng từ ngữ gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí như: Báo, Tạp chí, Tin, Tin tức, News, Times, Online, Daily…
+ Cách trình bày giao diện trang thông tin điện tử tổng hợp không ghi rõ là trang thông tin điện tử, mạng xã hội, chỉ ghi là cơ quan, tiếng nói, diễn đàn…
+ Giao diện trang thông tin điện tử tổng hợp trình bày, thể hiện gần giống như nhận diện của sản phẩm báo chí (màu sắc, vị trí tên gọi...).
+ Bố trí giao diện trang chủ của mạng xã hội thành các chuyên mục: Chính trị, xã hội, đời sống, văn hóa, giải trí... và đăng tải, tổng hợp các bài báo, hiển thị nội dung bài viết, tiêu đề, nội dung, chú thích ảnh, video-clip... như một tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp.
+ Giao diện trang thông tin điện tử tổng hợp ghi thông tin: Tòa soạn, Văn phòng đại diện, Ban phóng viên... như cơ quan báo chí, mục “Người trách nhiệm nội dung” ghi họ tên kèm thêm từ “nhà báo”, “phóng viên”.
- Về nội dung:
+ Tổng hợp tin bài từ các cơ quan báo chí theo ý đồ riêng, nghiêng về các thông tin tiêu cực, giật gân; tự tổng hợp tin tức từ các cơ quan báo chí thành bài viết và ghi thông tin Tổng hợp (PV).
+ Mạng xã hội không có người dùng tương tác, chia sẻ thông tin; đăng bài viết của thành viên quản trị với cách viết gây hiểu nhầm là các bài báo.
Xem thêm tại Quyết định 1418/QĐ-BTTTT có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.
3. Phương pháp đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ
Đây là nội dung tại Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT ngày 12/7/2022 quy định về đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.
Cụ thể, giáo viên có thể đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ thông qua các phương pháp sau:
- Đánh giá bằng nhận xét
+ Giáo viên quan sát học viên trong quá trình giảng dạy trên lớp và ghi chép lại các biểu hiện của học viên để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học viên;
+ Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học viên, từ đó đánh giá học viên theo từng nội dung đánh giá có liên quan;
+ Giáo viên trao đổi với học viên thông qua việc hỏi đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời;
+ Giáo viên nhận xét qua việc học viên dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét bản thân và tham gia nhận xét học viên khác, nhóm học viên về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập.
- Đánh giá bằng điểm số:
Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của Chương trình xóa mù chữ, dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.
(Hiện hành, Quyết định 79/2008/QĐ-BGDĐT quy định việc đánh giá học viên căn cứ vào điểm kiểm tra định kỳ của các môn học ở cuối mỗi lớp để xếp loại học lực của học viên).
Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 27/8/2022 và thay thế Quyết định 79/2008/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2008.
4. Nguyên tắc phân cấp dự án, dự án thành phần đường cao tốc
Theo Quyết định 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, việc phân cấp các dự án, dự án thành phần đường cao tốc theo hình thức đầu tư công được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Phân cấp triệt để cho UBND cấp tỉnh có đề xuất, đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý sau khi đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ Giao thông vận tải.
- Các tuyến cao tốc được phân chia thành các dự án thành phần và phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản theo địa giới hành chính.
Trường hợp ranh giới, địa giới hành chính nằm giữa các vị trí công trình cầu, hầm hoặc nút giao thì toàn bộ công trình cầu, hầm hoặc nút giao sẽ thuộc về một dự án thành phần.
- Yêu cầu đối với UBND cấp tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản:
+ Bố trí vốn đầu tư (kể cả trong trường hợp phát sinh tăng tổng mức đầu tư) để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
+ Bảo đảm đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý hoặc có biện pháp tăng cường bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện các dự án, dự án thành phần đáp ứng tiến độ và chất lượng yêu cầu theo quy định của pháp luật.
+ Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, khả thi, đồng bộ.
Xem chi tiết tại Quyết định 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022.