1. Bổ sung trường hợp được từ chối khám chữa bệnh từ ngày 01/01/2024
Đây là nội dung tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 được Quốc hội thông qua ngày 09/01/2023 tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 khóa XV.
Theo đó, bổ sung trường hợp được từ chối khám chữa bệnh từ ngày 01/01/2024 sau:
- Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;
- Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;
- Người bệnh, người đại diện của người bệnh quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 15 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 (trừ các quy định tại khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 120 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023), thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14.
2. Sửa đổi danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH từ ngày 01/4/2023
Đây là nội dung tại Thông tư 02/2023/TT-BYT ngày 09/02/2023 sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, có hiệu lực từ ngày 01/4/2023.
Theo đó, bổ sung “Bệnh COVID-19 nghề nghiệp” vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH.
Hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp được quy định tại Phụ lục 35 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BYT .
Như vậy, từ ngày 01/4/2023, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH gồm 35 bệnh, đơn cử như:
- Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp;
- Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp;
- Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp;
- Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp;
- Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp;
- Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp;...
3. Nội dung quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát
Ngày 07/02/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định 21/QĐ-VKSTC về Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát.
Theo đó, nội dung quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát bao gồm:
- Tính Công minh;
- Tính Chính trực;
- Tính Khách quan;
- Tính Thận trọng;
- Tính Khiêm tốn.
Quy tắc này áp dụng đối với cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức khác, viên chức công tác tại Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp; khuyến khích áp dụng đối với cán bộ Kiểm sát đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Xem chi tiết tại Quyết định 21/QĐ-VKSTC có hiệu lực từ ngày 07/02/2023.
4. Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi lĩnh vực KH&CN tại địa phương
Đây là nội dung tại Thông tư 20/2022/TT-BKHCN ngày 30/12/2022 về Danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực KH&CN tại chính quyền địa phương.
Theo đó, danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi lĩnh vực KH&CN tại địa phương bao gồm các nhóm vị trí sau:
- Quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ;
- Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ;
- Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân;
- Hoạt động sở hữu trí tuệ;
- Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng;
- Thẩm định, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thẩm định hồ sơ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ; cấp giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ;
- Hợp tác, trao đổi khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài.
Xem chi tiết tại Thông tư 20/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.