1. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% với nhiều viên chức y tế
Chính phủ ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập
Theo đó, bổ sung mức phụ cấp nghề đối với viên chức y tế như sau:
Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023:
- Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới);
Làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Lưu ý: Trong thời gian áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở nêu trên thì không áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 và quy định đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 05/2023/NĐ-CP ;
Nghị định 05/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
2. Vị trí việc làm của người làm việc tại Trung tâm cấp cứu 115
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Theo đó, vị trí việc làm của người làm việc tại Trung tâm cấp cứu 115 như sau:
- Vị trí việc làm của Trung tâm cấp cứu 115 thực hiện theo quy định tại Phụ lục IX Thông tư 03/2023/TT-BYT
/>
- Định mức số lượng người làm việc của Trung tâm cấp cứu 115:
+ Tối thiểu 15 người/Trung tâm;
+ Trung tâm có từ 2 xe cứu thương trở lên: thêm 6 người/01 xe cứu thương;
+ Trung tâm có bố trí các điểm cấp cứu ngoài trụ sở Trung tâm thì ngoài định mức số lượng người làm việc theo xe cứu thương thì mỗi điểm cấp cứu được bố trí thêm 03 người.
Thông tư 03/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 05/04/2023
3. Giải đáp nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm vụ án dân sự tranh chấp QSDĐ
Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Công văn 443/VKSTC-V9 ngày 15/02/2023 giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Theo đó, nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất quy định như sau:
Vợ chồng ông A và bà B là nguyên đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Tòa án cấp sơ thẩm thông báo ông A và bà B nộp tạm ứng án phí sơ thẩm là 300.000 đồng.
Bản án sơ thẩm xử bác đơn khởi kiện của ông A và bà B, buộc ông A và bà B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, cả ông A và bà B cùng kháng cáo về một nội dung, Tòa án yêu cầu ông A và bà B mỗi người phải nộp tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng.
Bản án phúc thẩm quyết định bác đơn kháng cáo của ông A và bà B, xác định ông A và bà B mỗi người phải chịu án phí phúc thẩm là 300.000 đồng.
Tòa án xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí phúc thẩm và nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm của ông A và bà B như trên có đúng không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định “Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo,…”.
Pháp luật không có quy định việc tính án phí phúc thẩm trong trường hợp có nhiều người kháng cáo về cùng một nội dung.
Theo quy định trên thì nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm được tính riêng cho từng người kháng cáo, không phân biệt họ kháng cáo cùng nội dung hay khác nội dung.
Do đó, Tòa án xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí phúc thẩm và nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm của từng người như trường hợp nêu trên là đúng.
Xem thêm tại Công văn 443/VKSTC-V9 ngày 15/02/2023.
4. Thay đổi thời hạn cấp GCN đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định 4/2023/NĐ-CP ngày 13/02/2023 sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Theo đó, thay đổi thời gian giải quyết thủ tục cấp GCN đủ Điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại Nghị định 49/2018/NĐ-CP như sau:
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ vào các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Nghị định 4/2023/NĐ-CP, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thẩm định, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp GCN
(So với Nghị định 49/2018/NĐ-CP, thay đổi thời hạn từ 20 ngày lên 30 ngày làm việc)
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có văn bản trả lời cho tổ chức có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định và nêu rõ lý do;
Nghị định 4/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 13/02/2023.