Trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước

28/05/2015 15:36 PM

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 28/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật trưng cầu ý dân.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, Ảnh: Nam Nguyễn

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật trưng cầu ý dân, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội, phù hợp với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Góp phần giúp người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Bao gồm 9 chương, 56 Điều, Dự thảo Luật có một số nội dung chính như: về các chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức trưng cầu ý dân; về nguyên tắc lập danh sách cử tri; về mục đích, nguyên tắc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; về phiếu trưng cầu ý dân; về kinh phí tổ chức trưng cầu ý dân và những hành vi bị nghiêm cấm…

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, dự án Luật trưng cầu ý dân đã được chuẩn bị công phu, cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và kinh nghiệm quốc tế về trưng cầu ý dân. Hồ sơ trình dự án Luật trưng cầu ý dân đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật trưng cầu ý dân, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho biết, hiện nay dự thảo Luật có một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như: về vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân; về phạm vi trưng cầu ý dân; về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; về cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân; về kết quả trưng cầu ý dân; về giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Ảnh: Nam Nguyễn

Về phạm vi trưng cầu ý dân, Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung được quy đinh tại Điều 7 của dự thảo Luật: “Các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước” vì điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội.

Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội.

Đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định, Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động như: việc cần lấy ý kiến của nhân dân địa phương trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, lấy ý kiến nhân dân về xây dựng nhà máy điện hạt nhân…

Tính chất và giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn này khác so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.

Bên cạnh đó, trong Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ một số nội dung cụ thể như việc giải thích các thuật ngữ “cử tri”, “thẻ cử tri”, “phiếu trưng cầu ý dân”, “đề nghị trưng cầu ý dân”; đề nghị cần có quy định riêng về việc đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị trưng cầu ý dân cho phù hợp với quy định của Luật tổ chức Quốc hội; đề nghị làm rõ hơn các trường hợp bỏ phiếu lại, như thế nào được coi là “có vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và vi phạm pháp luật nói chung hay pháp luật về trưng cầu ý dân…

Dự kiến, dự án Luật trưng cầu ý dân sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào ngày 3/6/2015.

Đức Phương

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc Hội

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,686

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]