27/10/2011 08:38 AM

Cho rằng sau khi cắt cổ nạn nhân, việc kẻ gây án đem ném xác xuống sông là hành vi man rợ nên Tòa sơ thẩm tuyên tử hình bị cáo. Thế nhưng, cấp phúc thẩm lại nhận định bị cáo “còn cải tạo được” (?) nên đã giảm án cho bị cáo xuống tù chung thân. Điều này khiến gia đình nạn nhân vô cùng bức xúc.



Giết người yêu vì đòi chia tay

Những người có mặt tại phiên phúc thẩm của TANDTC tại TP.HCM xử Nguyễn Hữu Thanh (tức Tám, 35 tuổi, ở phường 2, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đều chạnh lòng khi chứng kiến bà cụ đã 75 tuổi, mái tóc bạc trắng, dáng người nhỏ nhắn khó nhọc leo từng bậc cầu thang để vào được phòng xử án. Cụ là Lê Thị Phước (mẹ bị cáo Thanh).

Vừa thấy con bước ra vành móng ngựa, người mẹ đã nước mắt ngắn dài run run gọi: “Thanh ơi, con ơi...”. Tình mẫu tử ấy khiến những người có mặt tại phòng xử án lặng đi trong giây lát. Có tiếng xì xầm: “Sơ thẩm tuyên nó (tức bị cáo Thanh - PV) tử hình, hỏi sao mẹ hắn không lo và thương con?”. Ngoái đầu lại nhìn mẹ trong khi chờ xét xử, những giọt nước mắt của Thanh tuôn rơi khi thấy bà đã gầy đi nhiều...
Mẹ bị cáo ngã khuỵu tại tòa.

Mẹ bị cáo ngã khuỵu tại tòa.

Theo cáo trạng, Nguyễn Hữu Thanh có vợ và một con nhưng do mâu thuẫn nên tháng 6/2010, vợ chồng Thanh ly thân, Thanh cùng con gái sống tại phường 2, TP.Mỹ Tho. Trong thời gian này, hắn quen và sống như vợ chồng với chị Phạm Mỹ Quyên (tức Huyền, 31 tuổi, ở Tiền Giang).

Đầu năm 2011, giữa Thanh và “vợ hai” lại xảy ra mâu thuẫn nên từ ngày 24 đến ngày 26/2, chị Quyên bỏ đi. Dò tìm ra phòng trọ của Quyên, khoảng 20h ngày 27/2, Thanh đến chờ chị Quyên về. Khoảng 21h, chị Quyên về phòng, hai “vợ chồng” vừa chuyện trò vừa lai rai hết nửa lít rượu.

Sau đó cả hai đến quán của chị Nguyễn Ngọc Linh (tại phường 6, TP.Mỹ Tho) nhậu tiếp. Tại đây, Quyên tuyên bố chia tay với Thanh. Thanh bực tức la lối thì Quyên bảo: “Anh dẫn em về gặp con riêng của anh hỏi nó chịu nhận em là mẹ không? Nếu nhận thì tiếp tục chung sống”, rồi cả hai cùng đi về chỗ con gái Thanh ở để hỏi. Tại đây, bé G. (con gái Thanh) không chịu nhận Quyên là mẹ kế. Buồn chán, Quyên lại đòi gặp mẹ của Thanh xin cho hai người yêu nhau nhưng Thanh không đồng ý vì đã khuya.

Trong lúc nói chuyện, chị Quyên bảo Thanh đưa tiền thuê phòng trọ khác để “hai vợ chồng” ở, nếu không mình sẽ đi “tiếp khách kiếm tiền”, khiến hai người cãi nhau. Thanh nại ra rằng hắn đã vay nhiều tiền đưa Quyên tiêu, bây giờ Quyên còn đòi làm chuyện bậy bạ là quá đáng. Đáp lại, chị Quyên gào lên: “Muốn làm vợ không được chấp nhận, làm mẹ cũng không xong, xin tiền thì bị từ chối, chết quách cho rồi”.

Vừa dứt lời, Quyên xuống bếp chụp con dao nhọn dài khoảng 30cm kề vào cổ đòi tự sát. Thấy vậy, Thanh giật dao lại. Trong lúc giằng co, con dao làm đứt cổ Quyên, nạn nhân kêu cứu được vài tiếng thì bị Thanh đè xuống bóp cổ cho đến khi không còn cử động mới thôi. Gây án xong, Thanh định tự sát nhưng lại sợ đau nên thôi.

Gã chồng hờ kéo xác nạn nhân ném xuống sông rồi đi tắm, sau đó gọi điện báo cho chị mình là đã giết Quyên. Chị của Thanh khuyên hắn ra đầu thú nhưng Thanh trốn tròn một tuần mới ra cơ quan công an.

Bị cáo xin giảm án để chuộc tội với người còn sống

Ngày 26/7/2011, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Hữu Thanh tử hình về tội “Giết người”. Thanh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nên Tòa phúc thẩm TANDTC xử lại.

Tại Tòa phúc thẩm, bị cáo một mực cho rằng mình không cố ý giết người. Thanh khai: “Thấy Quyên kề dao vào cổ nên bị cáo xông tới giằng dao, vô ý làm nạn nhân đứt cổ” chứ không đâm thủng cổ Quyên. Tuy nhiên, bị cáo không trả lời được câu hỏi của HĐXX rằng: “Không cố ý giết người sao không đưa nạn nhân đi cấp cứu?”, và “Sao ném xác nạn nhân xuống sông rồi bỏ trốn?”.

Cùng với đó, HĐXX cho công bố kết luận giám định: “Quyên chết do mất máu cấp vì đứt tĩnh mạch cổ trái, bầm tụ máu vùng cổ, ngạt nước, thanh khí quản có bợn bùn...”, điều này chứng tỏ nạn nhân vẫn còn sống trước khi bị ném xuống sông.

HĐXX nhận định: Bị cáo nhận thức được tính mạng con người là vô giá, thấy nạn nhân bị thương lẽ ra phải cứu chữa nhưng Thanh lại bóp cổ, sau đó vứt nạn nhân xuống sông. Hơn nữa, sau đó Thanh còn bỏ trốn...

Trong phần bào chữa của mình, Luật sư bảo vệ cho Thanh đề nghị HĐXX tha tội chết cho bị cáo, bởi bị cáo có một con nhỏ và người mẹ già sức khỏe đã yếu, cần được chăm sóc, vì Thanh đã ăn năn hối lỗi, đồng ý cấp dưỡng cho hai con của nạn nhân là M.C. (9 tuổi) và T.K. (6 tuổi) cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. “Nếu tử hình bị cáo thì 3 cháu nhỏ bị thiệt thòi bởi mất phần cấp dưỡng này” - vị Luật sư nói.

Bị cáo thoát án tử, gia đình bị hại căm phẫn

Xét thấy bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như: Chưa có tiền án, tiền sự, ăn năn hối cải, đã bồi thường một phần tiền cho gia đình nạn nhân, nạn nhân có một phần lỗi vì cách sống buông thả... nên HĐXX cho rằng bị cáo “còn cải tạo” được và quyết định sửa bản án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo Thanh từ tử hình xuống tù chung thân về tội “Giết người”.

Mức án mới này đã bị gia đình người bị hại kịch liệt phản đối. Vị Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại cho rằng, án chung thân là chưa thỏa đáng vì trong hồ sơ thể hiện: Nạn nhân bị ném xuống sông khi còn sống, có nghĩa bị cáo cố ý giết người đến cùng, hành vi mang tính chất côn đồ nên cần xử nghiêm. Còn tình tiết bị cáo ra đầu thú, đó là do biết không thể trốn tránh pháp luật nên bị cáo mới làm như vậy. Ý kiến của vị Luật sư này cũng đồng quan điểm với Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa: Hành vi ném xác Quyên còn sống xuống sông là quá độc ác!

Khi Tòa tuyên bố kết thúc phiên xử, bà Phước òa khóc thật to rồi chạy lại ôm Thanh. Những giọt nước mắt của hai mẹ con bà thật chua xót, đắng cay, Thanh lắp bắp từng tiếng: “Xin mẹ tha lỗi cho con, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe”. Bà cụ ngã khuỵu xuống, nhưng đôi tay bà vẫn ôm chầm lấy con khiến lực lượng cảnh sát bảo vệ tòa phải gỡ bà ra để đưa kẻ phạm tội ra xe về trại...

Hồng Cơ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,423

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]