Những ngày qua, không ít chuyên gia kinh tế ở Đức hay Hi Lạp cho rằng rút khỏi khối đồng euro là phương thức gây đau đớn, nhưng cần thiết, để thoát khỏi khủng hoảng nợ. Nhưng các nghiên cứu lại đưa ra câu trả lời ngược lại. Theo báo cáo “Sự tan vỡ của đồng euro - các hậu quả” của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, nguy cơ khối đồng euro sụp đổ sẽ dẫn tới các hậu quả kinh tế, chính trị và xã hội “mang tính thảm họa” đối với châu Âu và kinh tế toàn cầu.
Các chuyên gia tài chính phương Tây cảnh báo viễn cảnh khu vực đồng euro sụp đổ sẽ là “mẹ của mọi thảm họa tài chính" |
Theo UBS, đối với các nền kinh tế yếu trong khối đồng euro như Hi Lạp hay Bồ Đào Nha, hậu quả tài chính sẽ cực lớn. Ví dụ, Hi Lạp quyết định quay trở lại với đồng drachma, nhưng giá đồng tiền này sẽ sụt giảm thảm hại. Trong khi đó Athens vẫn phải trả nợ tính bằng đồng euro. Việc đồng drachma sụt giá sẽ khiến khối nợ của Hi Lạp càng phình to hơn, hậu quả là vỡ nợ. Các ngân hàng Pháp và Đức sẽ khủng hoảng và có nguy cơ sụp đổ do ôm quá nhiều nợ Hi Lạp.
Chuyên gia Karsten Junius của Ngân hàng DekaBank dự báo hàng triệu người dân Hi Lạp sẽ ồ ạt rút tiền gửi euro khỏi các ngân hàng trong nước và đem gửi ở các ngân hàng nước ngoài. Hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ. Các doanh nghiệp cũng sẽ vỡ nợ. UBS ước tính tổn thất của một nền kinh tế yếu khi rời khỏi khối đồng euro khoảng 9.500 - 11.500 euro (12.600 - 15.300 USD)/người trong năm đầu tiên và tăng thêm 3.000 - 4.000 euro (4.000 - 5.300 USD)/người trong mỗi năm tiếp theo. Tổng thiệt hại của năm đầu tiên tương đương 40-50% GDP.
Một nền kinh tế mạnh như Đức khi rời khối đồng euro sẽ lâm vào khủng hoảng. UBS dự báo giá đồng mark Đức sẽ tăng vọt khoảng 40%, hậu quả là giá hàng xuất khẩu Đức tăng theo. Theo tạp chí Der Spiegel, năm 2011 xuất khẩu Đức lần đầu tiên sẽ đạt ngưỡng 1.000 tỉ euro (1.330 tỉ USD). Nhưng một khi quay lại với đồng mark Đức, “toàn bộ ngành xuất khẩu của Đức sẽ bị xóa sổ” như nhận định của nhà kinh tế UBS Stephane Deo. Các công ty Đức cũng sẽ phá sản, hệ thống ngân hàng trong nước lao đao, dòng thương mại quốc tế sụp đổ.
UBS ước tính nếu Đức rời khối đồng euro, tổn thất sẽ vào khoảng 6.000 - 8.000 euro (8.000 - 10.600 USD)/người trong năm đầu tiên và tăng thêm 3.500 - 4.500 euro (4.600 - 6.000 USD)/người. Tổn thất này tương đương 20-25% GDP trong năm đầu tiên. Trong khi đó, chi phí cứu trợ Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha chỉ tương đương 1.000 euro (1.300 USD) một lần đối với mỗi người Đức.
Hậu quả chính trị sẽ cực kỳ sâu rộng. Khi khối đồng euro sụp đổ cũng có nghĩa là Liên minh châu Âu (EU) tan vỡ. Chuyên gia UBS Deo nhận định một EU rạn nứt sẽ lập tức đánh mất ảnh hưởng chính trị - kinh tế - xã hội toàn cầu. Những nỗ lực xây dựng các chính sách ngoại giao, an ninh khu vực trở thành vô nghĩa.
Không
có đồng euro, tiếng nói của các nước châu Âu, thậm chí là các nước lớn
như Đức, sẽ trở nên vô cùng nhỏ bé trên trường quốc tế. Sự rạn nứt sẽ
càng gia tăng khi các nước trong khu vực dựng lên các hàng rào thuế
quan, bảo hộ... để chống lại các nước rời bỏ khỏi khối đồng euro.
Nếu khối đồng euro tan vỡ, lập tức bạo động sẽ bùng nổ và lan rộng khắp
châu lục. UBS cảnh báo khi một đồng tiền chết yểu, hàng triệu người sẽ
bất ngờ thấy rằng tài khoản của mình trở nên vô giá trị. Tình trạng thất
nghiệp sẽ dẫn tới sự bất mãn và căng thẳng xã hội. Các cuộc biểu tình,
bạo động sẽ nổ ra như những gì đã xảy ra ở Hi Lạp. Lịch sử cho thấy sự
sụp đổ của các liên hiệp tiền tệ chung luôn dẫn tới bạo động, thậm chí
nội chiến.
Theo báo Telegraph, chính quyền Anh đã lên kế hoạch sơ tán người dân đang sống và làm việc tại các quốc gia châu Âu trong trường hợp khối đồng euro tan vỡ.
Hãng nghiên cứu kinh tế Stratfor còn dự báo sự sụp đổ của khối đồng euro sẽ đẩy chính quyền một số quốc gia thành viên trở thành thể chế độc tài. Ví dụ, Hi Lạp sẽ phải sử dụng lại đồng drachma nhưng không một người dân nào muốn đổi đồng euro lấy đồng tiền vô giá trị này. Chính phủ sẽ phải dùng các biện pháp cưỡng ép, thậm chí dùng vũ lực. Chính quyền cũng sẽ phải viện đến vũ lực để trấn áp các cuộc biểu tình.
Tất nhiên, sẽ không chỉ có châu Âu rơi vào khủng hoảng. Mỹ và châu Á cũng sẽ lao đao như các phân tích trước đây. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế cảnh báo khối đồng euro tan vỡ sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, tương tự như đại suy thoái thập niên 1930.
Châu Âu trông chờ vào IMF Theo Reuters, ngày 30-11, bộ trưởng tài chính các nước khối đồng euro đã đạt thỏa thuận cho Hi Lạp vay thêm 8 tỉ euro (10,7 tỉ USD). Các quan chức cũng công bố kế hoạch bảo hiểm 20-30% trái phiếu mới của các nước đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, các nước sẽ không thể tăng nguồn vốn của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) lên 1.000 tỉ euro (1.300 tỉ USD) như dự tính trước đó. Châu Âu kỳ vọng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ hỗ trợ EFSF. Theo báo Le Monde, hãng xếp hạng tín dụng Standard Poor’s đã hạ định mức tín nhiệm của 37 ngân hàng lớn thế giới, trong đó có những ngân hàng lớn nhất của Mỹ như BOA, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Citigroup và Wells Fargo... |