Cụ thể, tại Công văn số 5299, Bộ Giao thông Vận tải cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu kỹ phương án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Theo
đó, Bộ Giao thông Vận tải cần tham vấn ý kiến phản biện, dư luận xã hội,
thông tin đối thoại công khai, đầy đủ về chính sách, đề xuất lộ trình
thực hiện phù hợp, khả thi và đúng pháp luật.
Đặc
biệt, “để hoàn chỉnh đề án này cần phải có thời gian nhất định, phù hợp
(có thể là vài ba năm) để tham vấn những kênh thông tin trên, từ đó mới
đề xuất được lộ trình thực hiện phù hợp. Bộ Giao thông Vận tải thấy
rằng việc tổ chức thu phí chỉ khả thi khi nhận được sự đồng thuận của
người dân”, VAMA trích dẫn công văn của Bộ Giao thông Vận tải.
Từ
những nội cơ bản tại công văn phúc đáp nêu trên, cơ quan đại diện khối
doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam tỏ rõ sự vui mừng khi
cho rằng “đây là một dấu hiệu lạc quan từ Chính phủ và Bộ Giao thông Vận
tải nhằm điều chỉnh lại phương án thu các loại phí”.
Với
“tín hiệu lạc quan” đó, VAMA đặt niềm tin thị trường ôtô trong nước tới
đây sẽ ấm trở lại. Dù vẫn khá thận trọng song cơ quan này đã nâng dự
báo tổng sản lượng bán hàng ôtô trong năm 2012 nhiều khả năng sẽ vượt
qua con số 100.000 chiếc. Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5/2012, VAMA
đã đưa ra mức dự báo 80.000 chiếc.
Như
vậy, các doanh nghiệp ôtô vẫn đang đặc biệt quan tâm đến câu chuyện thu
phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trong đó tâm điểm là mặt
hàng ôtô. Trong hầu hết các cuộc trao đổi với báo giới, lãnh đạo các
doanh nghiệp ôtô đều đánh giá bên cạnh bối cảnh nền kinh tế khó khăn,
thì đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là đã và đang
có tác động mạnh nhất khiến cho thị trường ôtô thời gian qua rơi vào
cảnh chợ chiều.
Theo
báo cáo của VAMA, tổng sản lượng bán hàng của 18 hãng xe thành viên 6
tháng đầu năm nay chỉ đạt mức 35.725 chiếc, giảm 33% so với cùng kỳ năm
ngoái. Trong đó, phân khúc xe đa dụng giảm 41%, xe con giảm 39,1% và xe
thương mại giảm 28%.