Đề xuất bỏ quyền khởi tố vụ án hình sự và thu thập chứng cứ của Tòa án

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
28/02/2023 16:01 PM

Tòa án nhân dân tối cao đề xuất bỏ quyền khởi tố vụ án hình sự và thu thập chứng cứ của Tòa án.

Đề xuất bỏ quyền khởi tố vụ án hình sự và thu thập chứng cứ của Tòa án

Đề xuất bỏ quyền khởi tố vụ án hình sự và thu thập chứng cứ của Tòa án (Hình từ Internet)

Dự thảo Luật sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

1. Đề xuất bỏ quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án

Theo đó tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì thẩm quyền quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại Toà án được đề xuất sửa đổi như sau:

- Phương án 1: Bỏ quy định Toà án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa

Việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan điều tra, công tố. Toà án là cơ quan xét xử nhưng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó.

- Phương án 2: Giữ nguyên như hiện hành.

Hiện hành tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về thẩm quyền quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại Tòa án như sau:

Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

2. Đề xuất bỏ quyền thu thập chứng cứ của Tòa án

Về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án được đề xuất sửa đổi như sau:

- Phương án 1: Bỏ quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự; quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, vụ việc dân sự theo hướng Tòa án có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải:

+ Thu thập chứng cứ; 

+ Thu thập và cung cấp chứng cứ thuộc về đương sự; 

Tòa án có thẩm quyền hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ khi xét thấy cần thiết.

- Phương án 2: Bỏ quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự. Về bản chất, tranh tụng là việc các bên đưa ra chứng cứ và lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.

Toà án đóng vai trò là trọng tài phân xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra. Để tăng cường tranh tụng trong xét xử, cần xác định trách nhiệm thu thập chứng cứ thuộc về Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra trong vụ án hình sự; các bên trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự.
Toà án không tiến hành thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.  

Hiện hành tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án như sau:

Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng.

3. Đổi tên Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân sơ thẩm

Hiện hành, tòa án nhân dân cấp huyện bao gồm Tòa án nhân dân huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đề xuất đổi tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành Tòa án nhân dân sơ thẩm, ví dụ: Tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân sơ thẩm theo hướng: 

Tòa án nhân dân sơ thẩm có nhiệm vụ giải quyết, xét xử sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương/Toà án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,022

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]